10 đội bóng gây bất ngờ lớn nhất tại World Cup
Lịch sử World Cup từng chứng kiến rất nhiều bất ngờ đến từ những đội bóng không được xem là hạt giống. Trong đó, lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều “ngựa ô” nhất.
1. Hà Lan - World Cup 1974
Hành trang tới World Cup 1974 của đội tuyển Hà Lan chỉ gói gọn bằng hai trận thua trước đó của chính giải đấu này. Thế nên, chẳng ngạc nhiên khi đội bóng của xứ sở hoa Tuylip không hề được đánh giá cao khi giải đấu diễn ra tại Tây Đức. Tuy nhiên, với lối chơi tấn công tổng lực, “Cơn lốc màu da cam” đã tạo nên một kỳ World Cup bất ngờ nhất trong lịch sử.
Ngay từ vòng một, đoàn quân của HLV Rinus Michels đã tạo nên cú sốc lớn khi vượt qua Uruguay và Thụy Điển để dẫn đầu bảng 3 với 5 điểm sau 3 vòng đấu (khi đó một trận thắng được tính 2 điểm). Ở vòng 2, Hà Lan đã rơi vào bảng tử thần với sự có mặt của Brazil, Đông Đức và Argentina. Song với phong độ chói sáng của Johan Cruyff, đội bóng của quốc gia nằm dưới mực nước biển đã khiến đối thủ phải ngả mũ thán phục khi dẫn đầu bảng A với 6 điểm tối đa, ghi 8 bàn và không để lọt lưới.
Hà Lan của Johan Cruijff gây cú sốc cực lớn tại World Cup 1974 |
Trong trận chung kết gặp chủ nhà Tây Đức, “Cơn lốc màu da cam” đã khởi đầu rất tốt và có được bàn mở tỉ số ngay ở phút thứ nhất sau cú sút penalty thành công của tiền vệ Johan Neeskens. Thế nhưng, lợi thế sân nhà đã giúp Tây Đức kiểm soát thế trận để sau đó hoàn tất cuộc lội ngược dòng, đồng thời chấm dứt câu chuyện cổ tích mà Hà Lan thông qua hai pha lập công của Paul Breitner và Gerd Muller ở phút 25 và 43.
Bốn năm sau tại World Cup 1978, dù không có sự phục vụ của nhạc trưởng Johan Cruyff (xin không tham dự vì bị đe dọa giết cả nhà), song đội tuyển Hà Lan vẫn thi đấu tuyệt vời và một lần nữa lọt vào tới trận chung kết. Rất tiếc ở trận đấu cuối cùng, đội bóng xứ sở hoa Tuylip lại gục ngã trước chủ nhà Argentina với tỉ số 3-1. Dẫu sao, với hai lần liên tiếp góp mặt trong trận chung kết World Cup mà không thực sự được đánh giá cao, Hà Lan hoàn toàn xứng đáng đứng ở vị trí số 1 trong 10 đội gây nhiều bất ngờ nhất trong lịch sử World Cup.
2. Bulgaria - World Cup 1994
Để giành vé tham dự World Cup 1994, Bulgaria đã phải rất vất vả mới vượt qua Pháp ở trận đấu cuối cùng tại vòng loại. Dẫu vậy, sự hiện diện của đội bóng xứ sở Hoa Hồng trên đất Mỹ cũng chẳng thu hút được sự quân tâm của giới mộ điệu. Lý do là những lần tham dự World Cup trước đó, Bulgaria chưa một lần giành chiến thắng. Tại World Cup 1986, “Những chú sư tử” từng lọt vào vòng knockout, song ở vòng đấu bảng họ cũng chỉ có được 2 điểm sau 2 trận hòa và một trận thua.
Tuy nhiên, có lẽ chính nhờ không bị “soi” mà Bulgaria không phải chịu sức ép, để rồi gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Ở vòng bảng, Bulgaria nằm ở bảng D với Nigeria, Argentina và Hy Lạp. Sau trận khởi đầu tệ hại khi thua Nigeria 0-4, Hristo Stoichkov và đồng đội đã chơi như “lên đồng” ở 2 trận tiếp theo, vùi dập Hy Lạp 4-0 và đánh bại Argentina 2-0. Qua đó, Bulgaria cùng Nigeria và Argentina dắt tay nhau vào vòng sau với 6 điểm bằng nhau (khi đó World Cup lấy 2 đội đầu bảng và 4 đội đứng thứ 3 xuất sắc nhất).
Bulgaria đã khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục tại World Cup 1994 |
Tại vòng 1/16, Bulgaria gặp lại Mexico – đối thủ từng đánh bại Bulgaria 2-0 tại vòng 1/16 ở World Cup 1986. Nhưng lần gặp nhau này, đội bóng của Stoichkov đã không cho lịch sử lặp lại. Họ cầm hòa đại diện CONCACAF 1-1 trong 90 phút thi đấu chính thức và giành chiến thắng chung cuộc 3-1 sau loạt đá penalty.
Những tưởng câu chuyện cổ tích của Bulgaria sẽ khép lại khi họ đụng độ nhà ĐKVĐ Đức tại tứ kết. Song bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Đội bóng của Stoichkov tiếp tục hạ gục “Cỗ xe tăng Đức” đầy thuyết phục với chiến thắng 2-1. Lothar Matthaus là người giúp Mannschaft dẫn trước ở phút 47 sau quả phạt đền thành công. Thế nhưng Stoichkov và Letchkov tỏa sáng kịp thời để giúp Bulgaria lội ngược dòng thành công. Rất tiếc sau đó người ta không còn được chứng kiến “Những chú sư tử” gây bất ngờ nữa bởi họ đã để thua tuyển Ý 1-2 tại bán kết và bại trận trước Thụy Điển 0-4 trong trận tranh giải 3.
World Cup 1994 ghi đậm dấu ấn của Hristo Stoichkov. Không chỉ giúp Bulgaria lọt vào tới tứ kết, mà danh thủ mang áo số 8 này còn cùng với Oleg Salenko trở thành “Vua phá lưới” với 6 lần lập công. Thật ngạc nhiên, kể từ World Cup 1994 đến nay, Bulgaria lại không một lần giành chiến thắng tại lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
3. Hàn Quốc - 2002
Vẫn biết các đội chủ nhà World Cup thường gặt hái được thành công. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc Thụy Điển giành Á quân tại World Cup 1958, tuyển Anh đăng quang World Cup 1966, Tây Đức lên ngôi tại World Cup 1974, Argentina bước lên bục cao nhất 4 năm sau đó và gần đây nhất là trưởng hợp tuyển Pháp lần đầu tiên giành chức vô địch năm 1998. Tuy nhiên, việc đồng chủ nhà Hàn Quốc lọt vào tới bán kết của giải đấu danh giá nhất hành tinh lại câu chuyện ngoài sức tưởng tượng của các tín đồ túc cầu giáo.
Ahn Jung-Hwan góp công lớn đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002 |
Dưới sự dẫn đắt của “phù thủy” Guus Hiddink, đội bóng xứ sở Kim Chi gây sốc ngay từ vòng bảng. Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ, Bồ Đào Nha và Ba Lan dẫn đầu bảng D. Tại vòng knockout, đoàn quân của HLV Hiddink một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ khi biến tuyển Ý trở thành khán giả sau bàn thắng vàng của Ahn Jung-Hwan (hòa 1-1 ở 90 phút thi đấu chính thức). Tại tứ kết, các chiến binh Taegeuk tiếp tục viết lên câu chuyện cổ tích khi vượt qua Tây Ban Nha sau loạt đá penalty.
Tại bán kết, Hàn Quốc đã khiến tuyển Đức gặp rất nhiều khó khăn. Phải nhờ đến màn tỏa sáng của Michael Ballack, Mannschaft mới giành quyền vào chơi trận chung kết khi giành chiến thắng tối thiểu 1-0. Ở trận tranh giải ba, đội bóng xứ Kim Chi cũng chỉ chịu thua Thổ Nhĩ Kỳ (một ngựa ô khác của giải) với tỉ số sát nút 2-3. Dẫu sao việc để thua sít sao trước hai đại diện Châu Âu cũng vẫn được xem là bất ngờ đối với Hàn Quốc.
4. Croatia - World Cup 1998
Sau khi tách ra từ liên bang Nam Tư năm 1991 (Yugoslavia), Croatia đã gây ra khá nhiều bất ngờ trong các giải đấu danh giá ở cuối thẩp kỷ 90 của thế kỷ trước. Cú sốc đầu tiên mà các cầu thủ áo karo tạo nên là họ lọt vào tới tứ kết tại Euro 2006. Tuy nhiên, danh tiếng của Croatia chỉ thực sự được biết đến sau khi đội bóng này tạo nên cơn địa chấn tại World Cup 2 năm sau đó trên đất Pháp.
Davor Suker - người hùng tại World Cup 1998 |
Nằm cùng bảng H với Argentina, Jamaica và Nhật Bản, Croatia giành 6 điểm sau 3 loạt trận. Qua đó đội bóng thuộc bán đảo Balkan cùng các vũ công Tango dắt tay nhau vào vòng sau. Tại vòng 1/16, Croatia đã hạ gục Romania bằng bàn thắng duy nhất của Davor Suker thực hiện trên chấm phạt đền. Thách thức thực sự đến với “Vatreni” khi họ đụng độ Đức tại tứ kết. Song đây lại là trận đấu tôn vinh Suker và đồng đội khi Croatia nghiền nát “Cỗ xe tăng Đức” với tỉ số không tưởng 3-0.
Rất tiếc cho Croatia là tại bán kết họ lại gặp đúng chủ nhà Pháp. Và dù Suker đã giúp “Vatreni” vươn lên dẫn trước ngay đầu hiệp 2, song đội bóng của anh vẫn để Les Bleus lội ngược dòng thành công với chiến thắng chung cuộc 2-1. Tuy nhiên, ở trận tranh ba tư, đoàn quân áo karo đã hoàn tất câu chuyện cổ tích của mình bằng việc vượt qua Hà Lan (2-1) để cán đích vị trí thứ 3. Với 6 bàn thắng ghi được cho Croatia, Davor Suker trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại World Cup năm đó, qua đó nhận giải thưởng cao quý là “Chiếc giày vàng”.
5. Thổ Nhĩ Kỳ - World Cup 2002
World Cup 2002 được xem là một trong những giải đấu tạo ra nhiều cú sốc nhất trong lịch sử của chính giải đấu này. Ngoài việc Pháp và Italy – những ứng cử viên số 1 cho chức vô địch sớm bị loại, đến việc chủ nhà Hàn Quốc lọt vào tới bán kết, giới mộ điệu còn được chứng kiến một cú sốc khác đến từ các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã làm nên lịch sử tại World Cup 2002 |
Đáng chú ý, năm 2002 chính là kỳ World Cup đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sau 48 năm vắng bóng (lần gần nhất TNK tham dự World Cup diễn ra1954). Ở vòng bảng, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua Costa Rica và Trung Quốc để cùng Brazil dắt tay nhau vào vòng 1/16. Tại vòng knockout, đội bóng Trăng Sao đã vượt qua đồng chủ nhà Nhật Bản với tỉ số tối thiểu 1-0 nhờ pha lập công của Umit Davala.
Hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được biết đến sau khi họ tiếp tục đánh bại Senegal (một ngựa ô khác của giải) nhờ “bàn thắng Vàng” mà Ilhan Mansız ghi được ở phút 94. Rất tiếc tại bán kết, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chịu thúc thủ trước đối thủ rất mạnh là Brazil sau pha dứt điểm thành bàn duy nhất của Ronaldo. Tuy nhiên, ở trận tranh giải ba, đội bóng Trăng Sao đã hoàn tất chặng đường lịch sử khi đánh bại chủ nhà Hàn Quốc với tỉ số 3-2. Trận đấu này tiền đạo Hakan Sukur đã đi vào lịch sử World Cup với pha ghi bàn nhanh nhất diễn ra ở giây thứ 10,8.
(còn tiếp)
AN NHI
Theo DV