Lệnh bắt giữ được đưa ra hôm 5/4 - một ngày sau khi nhóm 104 cựu quan chức hải quân cấp cao ký vào bức thư ngỏ cảnh báo rằng con kênh được đề xuất có thể gây tổn hại đến an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, theo Guardian.
Họ lập luận rằng việc xây dựng kênh này sẽ làm vô hiệu một hiệp ước quốc tế 85 năm tuổi nhằm ngăn chặn quân sự hóa Biển Đen.
Dự án kênh đào Istanbul sẽ giúp kết nối Biển Đen với biển Marmara. Nguồn: Ogzero.org. |
Tuyên bố chỉ trích kế hoạch này đã vấp phải sự phẫn nộ từ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức trách nước này coi đó là thách thức trực tiếp từ quân đội đến chính phủ dân sự, giống như những lần đảo chính trước đây.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu coi mình là lực lượng bảo đảm cho hiến pháp thế tục của đất nước. Họ đã tổ chức ba cuộc đảo chính từ năm 1960 đến năm 1980. Chính phủ của Tổng thống Erdoğan sống sót sau một cuộc đảo chính vào tháng 7/2016.
Người phát ngôn của tổng thống, ông İbrahim Kalın cho biết trên Twitter: “Một nhóm quân nhân đã nghỉ hưu đang tự đặt mình vào vị trí đáng chê cười và khốn khổ với tuyên bố như những lần đảo chính quân sự”.
Kênh Istanbul là dự án tham vọng nhất trong số hàng chục dự án mà Tổng thống Erdoğan gọi là “điên rồ” của mình. Các dự án này nhắm tới phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 18 năm cầm quyền của ông.
Dự án về con kênh được vạch ra vào năm 2011 và đã được thông qua vào tháng trước. Đoạn đường dài 45 km sẽ được xây dựng về phía tây của tuyến đường thủy tự nhiên nhằm cải thiện giao thông và giảm nguy cơ tai nạn trên eo biển Bosphorus.
Cho đến nay, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định rằng công ước Montreux năm 1936 về mở cửa cho eo biển Bosphorus đối với vận tải dân sự và hải quân của các nước láng giềng Biển Đen sẽ không áp dụng cho con kênh mới.
“Công ước Montreux giúp Thổ Nhĩ Kỳ khả năng duy trì vị thế trung lập trong Thế chiến thứ hai. Chúng tôi cho rằng cần phải tránh bất kỳ tuyên bố và hành động nào có thể khiến Công ước Montreux - một hiệp ước quan trọng đối với sự sống còn của Thổ Nhĩ Kỳ - bị đưa ra thảo luận”, các cựu đô đốc cho biết.
Dự án đào kênh trị giá hơn 13 tỷ USD đã bị đình trệ vào năm 2018 khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc. Việc tiếp tục dự án này vấp phải làn sóng chỉ trích rằng nó sẽ tàn phá môi trường và gây ô nhiễm.