10 công ty Mỹ bị tố hối lộ ở nước ngoài
Những công nổi tiếng như Johnson & Johnson, Ralph Lauren hay Walmart từng bị phát giác về hành vi “đi cửa sau” để có được những ưu tiên tại các nước.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mỗi năm, tổng số tiền hối lộ trong kinh tế trên thế giới là 2.600 tỷ USD, chiếm 5% GDP toàn cầu.
Dưới đây là 10 công ty Mỹ bị phát hiện có hành vi hối lộ tại các quốc gia khác.
1. Walmart
Số tiền phạt: Đang trong quá trình quyết định
Ngày phán xét: Đang trong quá trình quyết định
Năm 2012, tờ New York Times đưa tin về việc Walmart tại Mexico bị cáo buộc đã bỏ ra tới 24 triệu USD để hối lộ quan chức nước này nhằm có được giấy phép xây dựng thêm nhiều cơ sở. Vụ việc đang được cơ quan điều tra liên bang Mỹ làm rõ.
2. General Electric (GE)
Số tiền phạt: 23 triệu USD
Ngày phán xét: 27/7/2010
Hai chi nhánh của GE bị cáo buộc hối lộ quan chức Iraq bằng tiền mặt, thiết bị máy tính và thiết bị, dịch vụ y tế để có được những hợp đồng béo bở theo chương trình Đổi dầu lấy lương thực của Liên hợp quốc.
3. Johnson & Johnson
Số tiền phạt: 70 triệu USD
Ngày phán xét: 4/4/2011
Năm 2011, Johnson & Johnson bị phát hiện hối lộ các quan chức ngành y tế tại nhiều nước châu Âu để giữ những hợp đồng bán hàng lớn tại các quốc gia này. Công ty cũng bị cáo buộc đút lót cho quan chức Iraq để phát triển kinh doanh tại đây.
4. Ralph Lauren
Số tiền phạt: 1,6 triệu USD
Ngày phán xét: 22/4/2013
Một chi nhánh của Ralph Lauren Corporation bị phát hiện hối lộ quan chức hải quan tại Argentina từ năm 2005 tới 2009 để sản phẩm của mình được thông quan dễ dàng.
5. Pfizer
Số tiền phạt: 45 triệu USD
Ngày phán xét: 7/8/2012
Chi nhánh của Pfizer đã bị cáo buộc hối lộ cho quan chức tại Nga, Kazakhstan, Trung Quốc và một số nước châu Âu để được phê chuẩn và giành được các hợp đồng dược phẩm.
6. Halliburton và KBR
Số tiền phạt: 579 triệu USD
Ngày phán xét: 11/2/2009
KBR, một chi nhánh cũ của Halliburton đã bị phát hiện hối lộ cho quan chức Nigeria trong 10 năm liền nhằm có được các hợp đồng xây dựng béo bở. Cả KBR và Halliburton đều làm hồ sơ giả mạo nhằm che đậy hành vi này.
7. Oracle
Số tiền phạt: 2 triệu USD
Ngày phán xét: 16/8/2012
Chi nhánh của Oracle tại Ấn Độ đã bị cáo buộc bòn rút doanh thu từ các hợp đồng với chính phủ để sử dụng với mục đích bất hợp pháp.
8. Universal Corporation và Alliance One International
Số tiền phạt: 28 triệu USD
Ngày phán xét: 6/8/2010
Hai công ty thuốc lá khổng lồ Universal Corporation và Alliance One International Inc. bị cáo buộc đút lót 5 triệu USD cho quan chức Thái Lan và một số nước khác để có được các hợp đồng cung cấp thuốc lá.
9. Siemens
Số tiền phạt: 800 triệu USD
Ngày phán xét: 15/12/2008
Siemens bị phát hiện hối lộ để có được các hợp đồng với chính phủ các nước đang phát triển Mexico, Venezuela, Argentina và Bangladesh.
10. Eli Lilly
Số tiền phạt: 29 triệu USD
Ngày phán xét: 12/12/2012
Các chi nhánh của Eli Lilly tại Nga, Brazil, Trung Quốc và Ba Lan bị cáo buộc hối lộ cho quan chức chính phủ để giành được các hợp đồng béo bở ở các quốc gia này.
Hoài Thu
Theo Huffington Post/Infonet