10 công ty kiếm bộn nhất từ chiến tranh
Mỗi cuộc chiến là một sự tàn phá nặng nề, song nó cũng khiến cho nhiều người trở nên giàu sụ.
Kinh doanh dựa trên chiến tranh là một ngành siêu lợi nhuận, ước tính trong năm 2011, 100 nhà thầu lớn nhất thế giới kiếm được tới 410 tỷ USD từ bán vũ khí và các dịch vụ quân sự. Trong đó, 10 công ty đứng đầu thu về 208 tỷ USD - nhiều hơn toàn bộ phần còn lại. Hầu hết trong số này đến từ nước Mỹ - quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới (312 tỷ USD năm 2010, 712 tỷ USD năm 2011).
Sau đây sẽ là 10 cái tên nổi bật trong danh sách thu lợi từ chiến tranh do 24/7 Wall St. và Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố.
10. United Technologies (UTX) - máy bay, điện tử, động cơ Tiền bán vũ khí: 11,6 tỷ USD, tổng doanh thu: 58,2 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 5,3 tỷ USD, tổng số lao động: 199.900 United Technologies sản xuất rất nhiều loại vũ khí, bao gồm cả máy bay trực thăng như Black Hawk hay Seahawk nổi tiếng. Đây cũng là công ty có nhiều lao động nhất trong top 10, dù doanh thu từ vũ khí chỉ chiếm 20%. Bên cạnh đó, công ty này cũng chuyên về thang máy, thang cuốn, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ... |
9. L-3 Communications (LLL) - điện tử Tiền bán vũ khí: 12,5 tỷ USD, tổng doanh thu: 15,2 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 956 triệu USD, tổng số lao động: 61.000 Khoảng 83% doanh thu của LLL đến từ bán vũ khí với 4 ngạch chính là hệ thống điện tử; hiện đại hóa máy bay và bảo dưỡng; các giải pháp an ninh quốc gia; kiểm soát, thông tin liên lạc, tình báo, giám sát và trinh sát. Nổi bật trong số đó chính là vai trò của LLL trong sản phẩm máy bay không người lái. |
8. Finmeccanica - máy bay, pháo, động cơ, điện tử, xe và tên lửa Tiền bán vũ khí: 14,6 tỷ USD, tổng doanh thu: 24,1 tỷ USD Tổng lợi nhuận: -3,2 tỷ USD, tổng số lao động: 74.470 Mặc dù thu lợi lớn từ mặt hàng vũ khí song Finmeccanica đã mất 3,2 tỷ USD năm 2011. Chưa hết, nó đang phải chống lại các cáo buộc là đã trả tiền hối lộ để có được hợp đồng bán 12 chiếc máy bay trị giá 750 triệu USD cho Ấn Độ. Người đứng đầu công ty sau đó đã bị bắt, giám đốc điều hành và nhiều lãnh đạo khác cũng bị thay thế. |
7. EADS - máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa và hàng không vũ trụ Tiền bán vũ khí: 16,4 tỷ USD, tổng doanh thu: 68,3 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 1,4 tỷ USD, tổng số lao động: 133.120 Công ty của châu Âu có trụ sở tại Hà Lan này có doanh số bán vũ khí chiếm 24% tổng thu nhập. Vào năm 2012, nó đã thất bại trong nỗ lực sáp nhập cùng BAE Systems để trở thành công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới - sau khi thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ quan ngại về phi vụ này. |
6. Northrop Grumman (NOC) - máy bay, điện tử, tên lửa, tàu và hàng không vũ trụ Tiền bán vũ khí: 21,4 tỷ USD, tổng doanh thu: 26,4 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 2,1 tỷ USD, tổng số lao động: 72.500 Có tới 81% doanh thu của NOC đến từ việc bán vũ khí, mặc dù nó đã giảm nhẹ trong năm 2012 do sự cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho các dự án quốc phòng. Mặc dù vậy, công ty này đã thu lợi rất nhiều trong những năm trước. |
5. Raytheon (RTN) - điện tử, tên lửa Tiền bán vũ khí: 22,5 tỷ USD, tổng doanh thu: 24,9 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 1,9 tỷ USD, tổng số lao động: 71.000 Đây là cái tên đình đám ở Mỹ, đứng đằng sau tên lửa hành trình Tomahawk danh tiếng. Mặc dù thu nhập từ việc bán vũ khí năm 2012 đã giảm nhẹ, RTN đang có xu hướng chuyển thị trường sang nước ngoài. Hiện có tới 40% đơn hàng của công ty là từ bên ngoài nước Mỹ, dự tính đưa doanh số bán hàng quốc tế năm 2013 lên xấp xỉ 5%. |
4. General Dynamics (GD) - pháo, điện tử, xe và tàu Tiền bán vũ khí: 23,8 tỷ USD, tổng doanh thu: 32,7 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 2,5 tỷ USD, tổng số lao động: 95.100 Với 18.000 giao dịch, GD chính là nhà thầu lớn thứ 3 cho chính phủ Mỹ năm 2011. Trong đó, 12,9 tỷ USD là đến từ hải quân. Mặc dù vậy, GD cũng đã phải công bố sa thải nhân viên vào hồi đầu tháng 3, do quan ngại về cắt giảm ngân sách của liên bang. |
3. BAE Systems - máy bay, pháo, thiết bị điện tử, phương tiện vận tải, tên lửa, tàu Tiền bán vũ khí: 29,2 tỷ USD, tổng doanh thu: 30,7 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 2,3 tỷ USD, tổng số lao động: 93.500 Đây là công ty ngoài nước Mỹ có doanh thu lớn nhất từ việc bán vũ khí - chiếm tới 95% thu nhập của nó trong năm 2011. Mặc dù vậy, năm 2013, BAE cho hay hai thị trường Mỹ và Anh sẽ sụt giảm nghiêm trọng và công ty sẽ chuyển hướng sang các khu vực khác tiềm năng hơn. |
2. Boeing (BA) - máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa và hàng không vũ trụ Tiền bán vũ khí: 31,8 tỷ USD, tổng doanh thu: 68,7 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 4,0 tỷ USD, tổng số lao động: 171.700 Công ty có trụ sở tại Chicago này là nhà thầu lớn thứ hai với chính phủ Mỹ, mặc dù doanh thu bán vũ khí chỉ chiếm 46% trong tổng số thu nhập của hãng. Đó là vì Boeing cũng chính là nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới, với các dòng sản phẩm tên tuổi như 747, 757 và gần đây là 787 Dreamliner. Ngoài ra, Boeing cũng tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực không gian với hợp đồng 1 tỷ USD cùng NASA năm 2011. |
1. Lockheed Martin (LMT) - máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa, không gian Tiền bán vũ khí: 36,3 tỷ USD, tổng doanh thu: 46,5 tỷ USD Tổng lợi nhuận: 2,7 tỷ USD, tổng số lao động: 123.000 Năm 2011, LMT bán được 36,3 tỷ USD tiền vũ khí, nhiều hơn năm 2010 một chút với 35,7 tỷ USD. Mặc dù vậy, ảnh hưởng từ sự cắt giảm chi tiêu của Bộ quốc phòng Mỹ năm 2012 đã buộc nhà thầu số 1 này phải tính đến việc sa thải nhân viên vào mùa thu. |
Vũ Vũ
Theo USAtoday/ Infonet