10 câu chuyện vượt khó của tỷ phú thế giới
Từng là trải qua cuộc sống cực khổ, làm nhiều công việc như bán báo, giao sữa, hay thậm chí ăn lửa trên phố, nhiều người đã trở thành tỷ phú nổi tiếng thế giới.
1. Do Won Chang từng làm ba công việc một lúc để khởi nghiệp Forever 21
Năm 1981, Do Won Chang và vợ ông, Jin Sookchuyển tới Mỹ. Khi đó, Do Won đã phải làm cùng lúc ba công việc để trang trải cuộc sống. Ông vừa làm người gác cửa, nhân viên trạm xăng và phục vụ trong quán cà phê. Đến năm 1984, cuối cùng họ gom đủ vốn để mở cửa hàng quần áo đầu tiên.
Cửa hàng đó đã phát triển thành thương hiệu Forever 21, nhanh chóng đi tiên phong trong làng thời trang và trở thành đế chế đa quốc gia với 480 cửa hàng và thu về 3 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, 2 người con gái của Do Won Chang là Linda và Esther đang nắm quyền điều hành công ty.
2. Guy Laliberté ăn lửa trên phố trước khi đưa Cirque du Soleil ra thế giới
Laliberté sinh ra tại Canada. Ông khởi nghiệp bằng công việc tại một gánh xiếc rong, chơi đàn, đi cà kheo và biểu diễn ăn lửa trên đường phố. Ông gần như đánh đổi tất cả khi đưa đoàn biểu diễn từ Quebec tới lễ hội nghệ thuật Los Angeles năm 1987. Ông đã thành công và Cirque du Soleil ngày càng nổi tiếng. Giờ đây, Laliberté đã là giám đốc điều hành của Cirque với tài sản ròng lên tới 2,5 tỷ USD.
3. John Paul DeJoria sống trong ô tô trước khi thành công với John Paul Mitchell Systems
DeJoria phải trải qua cuộc sống khó khăn từ khi còn nhỏ. Cha mẹ ông ly hôn khi ông mới hai tuổi. Ông bán thiệp Giáng sinh và báo để phụ giúp gia đình. Năm 10 tuổi, ông được gửi đi làm con nuôi ở Los Angeles.
DeJoria từng dành thời gian trong một băng đảng của Los Angeles trước khi tham gia quân đội. Sau khi trở thành nhân viên của Redken Laboratories, ông vay nợ 700 USD và thiết lập hệ thống John Paul Mitchell. Ông đến từng nhà một để quảng cáo sản phẩm của mình. Và thành công đã đến với ông. Ông cũng thành lập Patron Tequila và góp phần tham gia vào các ngành công nghiệp, từ kim cương tới âm nhạc.
4. Ursula Burns lớn lên trong một ngôi nhà tồi tàn ở Manhattan trước khi điều hành Xerox
Burns lớn lên với sự nuôi nấng của người mẹ đơn thân trong một ngôi nhà dành cho người có thu nhập thấp. Mẹ bà nhận chăm sóc trẻ em và là ủi quần áo để có tiền cho Ursula học tại trường Công giáo. Sau đó, Ursula học tại trường đại học New York và từ đó trở thành nhân viên thực tập tại Xerox.
Hiện nay, Ursula đã trở thành giám đốc điều hành và chủ tịch của Xerox. Burns là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đứng đầu một công ty nằm trong Fortune 500.
5. Leonardo Del Vecchio là công nhân trước khi gây dựng đế chế kính mắt Ray-Bans & Oakley
Del Vecchio là một trong năm đứa con không nhận được trợ cấp từ người mẹ góa bụa. Sau khi lớn lên trong trại trẻ mồ côi, ông tới làm việc tại một nhà máy sản xuất gọng kính mắt, nơi ông mất đi một phần ngón tay.
Ở tuổi 23, Del Vecchio mở một cửa hàng gọng kính cho riêng mình. Giờ đây cửa hàng này đã mở rộng thành nhà sản xuất kính râm lớn nhất thế giới. Thương hiệu Ray-Bans & Oakley của ông có 6000 cửa hàng bán lẻ. Giá trị tài sản ròng của ông ước tính khoảng 11,5 tỷ USD.
6. Sheldon Adelson – ông trùm khách sạn ở Las Vegas từng bươn trải trong nhiều ngành công nghiệp
Adelson lớn lên trong một căn hộ tập thể ở Massachusetts, nơi ông dùng chung phòng ngủ với cha mẹ và ba anh chị em ruột. Cha ông là một tài xế taxi còn mẹ ông mở một cửa hàng đan. Khi 12 tuổi, ông bắt đầu bán báo. Vài năm sau đó, ông làm công việc khởi động máy bán hàng tự động trên góc phố.
Adelson đã từng thử sức trong vài lĩnh vực khác nhau, từ đóng gói các vật dụng nhà tắm khách sạn tới môi giới thế chấp. Bước ngoặt lớn nhất của ông là phát triển thành công chương trình hội chợ triển lãm công nghệ. Sau đó, ông dùng số tiền thu được mua Sands Hotel & Casino và xây khu siêu phức hợp The Venetian.
7. Roman Abramovich: đứa trẻ mồ côi sở hưu đế chế dầu lửa
Cha mẹ qua đời khi lên bốn, tỷ phú người Nga Abramovich được nuôi nấng bởi bà và chú. Ông rời trường đại học để theo đuổi sở thích kinh doanh mà lúc đầu là bán vịt nhựa ngoài một căn hộ ở Matxcova.
Năm 1995, Abramovich, mua lại công ty dầu Sibneft với giá hời và tiếp tục đầu tư nhiều hơn, bao gồm việc thu mua các công ty nhôm của Nga và tập đoàn sản xuất thép Evraz. Hiện ông sở hữu du thuyền lớn nhất thế giới và câu lạc bộ bóng đá Chelsea của giải Ngoại hạng Anh.
8. J.K Rowling sống nhờ tiền trợ cấp trước khi xuất bản Harry Potter
Vào đầu những năm 1990, Rowling ly hôn và sống nhờ vào tiền trợ cấp. Cô hoàn thành phần lớn tập đầu tiên của Harry Potter trong các quán cà phê. Bộ truyện Harry Potter đã thành công trên toàn thế giới và mang lại cho J.K Rowling khối tài sản trị giá 1 tỷ USD.
9. Oprah Winfrey: vượt qua khó khăn để trở thành nữ hoàng truyền hình
Oprah sống sáu năm đầu đời với người bà và chỉ được mặc váy may từ vỏ bao khoai tây. Sau khi bị lạm dụng bới 2 thành viên trong gia đình và một người bạn, bà bỏ nhà đi năm 13 tuổi. Năm 14 tuổi, bà sinh con và đứa bé đã mất ngay sau đó. Bà quay trở lại với mẹ mình nhưng cuộc sống của bà chỉ khá lên khi được gửi tới sống với bố.
Winfrey giành học bổng toàn phần ở trường đại học, thắng trong cuộc thi hoa khôi và nhờ vậy bà được một đài phát thanh chú ý tới. Theo ước tính của Forbes, tài sản của bà hiện nay trị giá khoảng 2,7 tỷ USD.
10. Sam Walton từng đi vắt sữa bò và bán tạp chí trước khi thành lập Wal-Mart
Gia đình Walton sống trên một trang trại ở Oklahoma trong suốt thời đại khủng hoảng. Ông phụ giúp gia đình bằng việc vắt sữa bò và giao sữa cho khách. Walton cũng đi giao báo và bán tạp chí.
Năm 26 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường đại học Missouri với tấm bằng cử nhân kinh tế, ông quản lý một cửa hàng tạp hóa. Ông sử dụng 5.000 USD từ quân đội và khoản vay 20.000 USD từ cha vợ để mua cửa hàng tạp hóa ở Arkansas. Sau đó, ông mở rộng chuỗi cửa hàng và tiến tới thành lập Wal-Mart và Sam’s Club. Năm 1992, ông qua đời, để lại công ty cho vợ và các con.
Hoài Thu
Theo BusinessInsider/Infonet