Bệnh xương thủy tinh
Hệ xương của những người mắc hội chứng xương bất toàn, hay xương thủy tinh, không hình thành giống như người bình thường. Bệnh phát sinh do tình trạng đột biến di truyền trong những gene đảm nhiệm vai trò làm cho xương có khả năng chịu lực. Do những đột biến gene ấy, xương trở nên giòn, dễ biến dạng và gãy khi cơ thể chịu tác động mạnh từ bên ngoài hoặc sang chấn rất nhẹ như ho, hắt hơi, vỗ vai.
Ảnh minh họa: Listverse |
Nếu cha, mẹ mắc hội chứng xương thủy tinh thì xác suất mắc bệnh của con là 50%. Tuy nhiên mức nguy cơ xương gãy và mức độ trầm trọng của những người mắc bệnh không giống nhau. Trong nhiều trường hợp cha, mẹ hoàn toàn bình thường nhưng con vẫn mắc bệnh do đột biến gene.
Rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể (BIID)
Người mắc chứng BIID muốn cắt bỏ một phần cơ thể vì họ cảm giác những phần như tay hay chân là bộ phận thừa. BBID được ví như một chứng rối loạn nhận dạng giới tính và cũng có thể là sự rối loạn tâm thần. Đa số bệnh nhân đều có một phần cơ thể bị cắt đứt. Thậm chí họ còn tự “phẫu thuật” để “khỏi bệnh”.
Ảnh minh họa: Listverse |
Vào năm 2000, Robert Smith, một bác sĩ phẫu thuật Scotland, cắt chân của hai người bình thường sau khi họ dọa rằng nếu ông không cắt, họ sẽ tự thực hiện việc đó. Smith cho rằng nếu ông để hai người kia tự cắt chân thì ông đã vi phạm lời thề Hippocratic.
Ung thư răng
Về mặt lý thuyết, ung thư có thể phát triển ở mọi bộ phận của cơ thể. Do đó, ung thư răng hoàn toàn có thể xảy ra. Ban đầu, khối u phát triển trong răng và sẽ lan rộng ra toàn bộ khuôn mặt nếu chúng ta không kiểm soát chúng. Chúng ta nghĩ rằng ung thư răng là một bệnh hiếm nên thường bỏ qua những biểu hiện như sưng xung quanh miệng, cằm, hàm hoặc bên trong má.
Ảnh minh họa: Listverse |
Một ví dụ điển hình của ung thư răng là Novemthree Siahaan, một bé trai sống trên đảo Batam, Indonesia. Em qua đời lúc 6 tuổi do những khối u lan dần từ răng sang xương và mô trên khuôn mặt. Chúng lớn dần và che khuất tầm nhìn, cản trợ hoạt động hô hấp của cậu bé.
Sốt xuất huyết Crimean - Congo
Bệnh sốt xuất huyết Crimean - Congo là một bệnh nguy hiểm do virus gây nên. Nó bắt đầu bằng các triệu chứng giống như cúm, song có thể phát triển thành thể nặng hơn rất nhiều với tỉ lệ tử vong cao (30%). Bệnh xuất hiện ở châu Phi, châu Á và vùng Balkans, song gần đây bắt đầu lây lan sang các khu vực mới ở miền nam châu Âu. Virus gây bệnh lây lan bởi các vết cắn của bọ chét Hyalomma. Con người nhiễm bệnh do bọ chét cắn hoặc tiếp xúc với những con vật nhiễm bệnh.
Nếu sở hữu hệ miễn dịch mạnh và tiếp cận liệu pháp điều trị tốt, phần lớn bệnh nhân sẽ sống sót. Nhưng quá trình phục hồi có thể kéo dài trong khoảng 10 ngày. Trong khoảng thời gian đó, không ai dám chắc bệnh nhân sẽ sống hay chết. Đối với những người không thể thoát khỏi bàn tay tử thần, các cơ quan nội tạng của họ sẽ ngừng hoạt động trong vòng chưa đầy hai tuần.
Hội chứng không biết sợ
Jordy Cernik, một người đàn ông Anh 38 tuổi, là một trong những người mắc hội chứng không biết sợ. Trong những tình huống nguy hiểm như nhảy dù hay leo vách đá, nhịp tim của anh vẫn chẳng đập nhanh hơn so với những tình huống bình thường. Hội chứng không biết sợ bắt đầu tấn công Cernik sau khi anh trải qua một ca phẫu thuật để cắt hai tuyến thượng thận do khối u xuất hiện trên chúng. Do tuyến thượng thận biến mất, cơ thể Cernik ngừng sản xuất adrenalin – chất truyền dẫn thần kinh gây cảm giác hưng phấn, sợ hãi. Vì thế Cernik không bao giờ cảm thấy sợ hãi nữa.
Khi những người mắc hội chứng không biết sợ nhảy dù hay rơi vào tình huống gay cấn, tim của họ vẫn đập như những lúc bình thường. Ảnh: Listverse |
Những người mắc chứng không biết sợ do phải cắt tuyến thượng thận chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Phần lớn nạn nhân mắc hội chứng này do dùng một số loại thuốc khiến tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều corticosteroid – nhóm chất có khả năng kháng viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Do tạo ra quá nhiều corticosteroid, tuyến thượng thận sẽ suy yếu và không sản xuất adrenalin nữa.
Không biết sợ là tình trạng tuyệt vời đối với nhiều người, song cái giá của nó là gì? Adrenalin là một trong hai chất giảm đau tự nhiên mà cơ thể tiết ra. Những bệnh vặt như viêm khớp nhẹ có thể không khiến chúng ta bận tâm, song lại khiến Cernik cảm thấy đau đớn triền miên.
“Tôi luôn cảm thấy đau”, anh thừa nhận.
Ngoài ra, những người phải cắt tuyến thượng thận như Cernik thường xuyên tăng cân rất nhanh.