10 bản hợp đồng lãng phí nhất lịch sử La Liga
Kaka, Ibrahimovic hay Juan Roman Riquelme là những ngôi sao hàng đầu thế giới nhưng lại đóng vai trò “người thừa” tại Real Madrid hay Barcelona.
Với lối chơi mở và đầy tính nghệ sĩ, La Liga luôn là điểm đến lý tưởng của những ngôi sao hàng đầu thế giới. Zidane, Ronaldinho hay C.Ronaldo là những tên tuổi đã và đang trở thành biểu tượng tại các CLB mà họ thi đấu ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cũng có không ít những cái tên làm lu mờ hình ảnh của bản thân mình sau khi thi đấu không thành công trong màu áo các CLB xứ bò tót.
Đa số những cầu thủ đó đều rất tài năng nhưng vẫn không thể thành công vì họ không có những tố chất cần thiết để chơi bóng ở La Liga, không đáp ứng được sự kỳ vọng của các CĐV hoặc không phù hợp với tư duy của các HLV. Trong số đó, Real Madrid và Barcelona - hai "ông kẹ" tại La Liga chính là những người lãng phí tài năng nhất.
Michael Owen (Real Madrid, 2004 – 2005)
Michael là niềm hy vọng lớn nhất của người Anh trong những năm cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000. Anh đã ghi 118 bàn sau 8 mùa thi đấu cho Liverpool trước khi chuyển sang thi đấu cho Real. Tại thời điểm đó, Dải ngân hà của Florentino Perez đang dần được hình thành. Do đó, mặc dù đã có trong tay hai tiền đạo hàng đầu thế giới là Raul và Ronaldo, ông vẫn quyết định đem Owen về với giá 8 triệu bảng.
Đó thực sự là quãng thời gian đáng quên nhất của “cựu thần đồng” nước Anh do anh phải làm bạn với ghế dự bị trong phần lớn thời gian thi đấu tại đây, mặc dù mỗi khi vào sân anh đều thi đấu rất tốt. Owen ghi tổng cộng 13 bàn sau 35 trận, đạt hiệu suất ghi bàn (tính trên số phút thi đấu) cao nhất Liga trong mùa giải đầu tiên thi đấu cho CLB này.
Giovani Dos Santos (Barcelona)
Giovani Dos Santos là một trường hợp tiêu biểu cho sự lãng phí các tài năng trẻ của lò đạo tạo La Masia. Tiền vệ người Mexico có tốc độ và kỹ thuật cá nhân điêu luyện nhưng không thể tìm kiếm được một chỗ đứng vững chắc trong đội hình của Barcelona, khi đó có những Ronaldinho hay Deco thi đấu vô cùng xuất sắc.
Dos Santos được đôn lên đội một từ năm 2007 nhưng không thường xuyên được trọng dụng. Tiền vệ này chỉ ghi được 3 bàn thắng sau 28 lần xuất hiện trên sân (phần lớn vào sân từ ghế dự bị) trước khi bị đem bán cho Tottenham Hotspur.
Điều đáng tiếc hơn cả là màn trình diễn của Dos Santos tại đội tuyển quốc gia lại hoàn toàn khác biệt. Anh đã tỏa sáng trong màu áo của Mexico trước cả những Javier Hernandez và hiện vẫn đang là một trong những trụ cột không thể thiếu của đội tuyển bóng đá đến từ châu Mỹ.
Klaas-Jan Huntelaar (Real Madrid, 2009)
Vào kỳ chuyển nhượng đầu năm 2009, Real đang xếp sau Barca và quyết định chi ra 20 triệu Euro để mang Huntelaar về từ Ajax. Sau 20 trận thi đấu cho Real, tiền đạo người Hà Lan ghi được 8 bàn – một hiệu suất không tồi.
Tuy nhiên, điều khiến anh sớm “bật bãi” khỏi dải ngân hà Real lại đến từ một lý do khác mà chỉ ở Real người ta mới quan tâm đến. Đó là việc anh không có “tố chất” của một “ngôi sao”. Hunterlaar quá hiền lành và cũng không “hút khách” như nhiều cầu thủ khác của Real. Từ một “sát thủ” được rất nhiều đại gia săn đón, chỉ sau nửa mùa giải chơi cho Real, “thợ săn” đã phải ra đi không kèn không trống sang Milan và bây giờ là Schalke 04.
Juan Roman Riquelme (Barcelona 2002 – 2003)
Riquelme đã đạt đến đẳng cấp ngôi sao từ khi còn khá trẻ, trong màu áo của Boca Juniors. Sau 8 năm thi đấu tại La Bommonera, người ta hiểu rằng một ngôi sao lớn như anh cần vươn ra biển lớn châu Âu và tiền vệ của Argentina đã chọn Barca. Riquelme khi đó hoàn toàn sẵn sàng để trở thành một ngôi sao ở tầm thế giới nhưng HLV Louis Van Gaal thì không nghĩ vậy. Trong phần lớn thời gian thi đấu cho Barca, anh phải làm bạn với băng ghế dự bị. Ông Val Gaal coi bản hợp đồng của Riquelme như một chữ ký mang tính ngoại giao nhiều hơn.
Ngay cả khi được ra sân, anh cũng chỉ được bố trí đá như một tiền vệ cánh, vị trí không phải sở trường của tiền vệ này. Sau 30 trận được ra sân, anh chỉ ghi được 3 bàn và không để lại nhiều dấu ấn trên sân. Chỉ đến khi chuyển sang chơi cho Villarreal anh mới tìm lại được đẳng cấp của một tiền vệ kiến thiết hàng đầu thế giới.
6. Joaquin (Real Betis)
Joaquin là một trong những cầu thủ tiêu biểu cho mẫu cầu thủ tỏa sáng sớm nhưng sau đó chững lại và “mất hút” ngay khi ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp. Joaquin là sản phẩm của lò đào tạo Betis và từng là một trong những tiền vệ triển vọng nhất của bóng đá Tây Ban Nha. Tuy nhiên, một điều khá lạ là dường như không mấy đội bóng lớn để ý đến anh.
Joaquin cuối cùng cũng quyết định chọn cho mình một “con thuyền” lớn hơn đó là Valencia nhưng ở đó, anh tiếp tục thiếu may mắn khi thường xuyên bị chấn thương và dần lu mờ bởi tài năng của những David Villa, David Silva hay Joan Mata.
Những người theo dõi La Liga lâu năm hẳn sẽ rất nhớ cái tên Joaquin nhưng trong màu áo đội tuyển, anh không để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ ngoài pha đá penalty bị cản phá trong trận tứ kết World Cup 2002 với Hàn Quốc.
Nicolas Anelka (Real Madrid 1999-2000)
Anelka đến với Real sau hai mùa giải hết sức thành công cùng Arsenal với mức giá 22,3 triệu bảng với kỳ vọng tạo thành một mũi đinh ba trên hàng công của Kền kền trắng cùng với Raul và Morientes. Tuy nhiên, chấn thương cùng với những lộn xộn trong phòng thay đồ đã khiến tiền đạo hiện đang thi đấu cho Chelsea trở thành một người thừa tại sân Bernabeu.
Tại thời điểm đó, anh có mâu thuẫn khá sâu sắc với Morientes - người mà lẽ ra phải là đối tác tin cậy nhất của anh trên hàng công Real. Anelka cũng từng bỏ tập vì bất mãn và gây ra không ít rắc rối cho HLV Del Bosque.
Zlatan Ibrahimovic (Barcelona 2009-2010)
Cho đến nay, quyết định đẩy Eto’o đi và bỏ thêm 46 triệu Euro để mang Ibahimovic về sân Nou Camp của HLV Guardiola vẫn khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Trong giai đoạn đầu mùa, Ibra thi đấu tương đối khởi sắc nhưng càng về sau, người ta càng thấy sự lạc lõng của tiền đạo to lớn này giữa những con người nhỏ bé như Xavi, Iniesta hay Messi.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến siêu sao người Thụy Điển không tỏa sáng trong màu áo Barca có thể lại không phải là do yếu tố chuyên môn mà có thể do bất đồng trong mối quan hệ giữa anh và Pep Guardiola.
Mãi sau này, khi anh chuyển về thi đấu cho Milan, báo chí mới hay rằng, Ibra và Pep đã từng có thời gian không nhìn mặt nhau trong cả nửa mùa giải. Ibahimovic cũng đã từng chia sẻ, Pep chính là người đã “kết liễu giấc mơ Barcelona” của anh. Đầu tiên là Eto’o, tiếp đến là Ibrahimovic và tới đây, có thể David Villa sẽ là người tiếp theo.
Sergio Aguero (Atletico Madrid)
Trường hợp của con rể của Maradona khá giống với Joaquin: “tỏa sáng ở một CLB không thể vươn mình lên được”. El Kun đến với Atletico trong một bản hợp đồng trị giá 20 triệu Euro và nhanh chóng trở thành thần tượng mới của các CĐV nơi đây, thay thế cho Fernando Torres. Anh thực sự là một cỗ máy ghi bàn với 74 bàn sau 5 mùa chơi cho đội bóng thủ đô TBN.
Atletico Madrid không phải là một CLB nhỏ nhưng cũng chưa bao giờ được đánh giá là xứng tầm với các ông lớn như Real hay Barcelona, do đó, trước khi chuyển sang Man City, nhiều người nhận định rằng Atletico chỉ là bến đỗ tạm thời để cho một con thuyền lớn như Aguero vươn ra biển lớn. Cũng có thể nói, Aguero đã lãng phí tài năng khi cập bến sân Calderon, nếu không anh đã có thể sớm đạt tới đẳng cấp của những Ronaldo hay Messi.
Bojan Krkic (Barcelona 2007-2011)
Krkic từng được coi là sao mai sáng nhất của lò đào tạo La Masia. Có những câu chuyện kể rằng, anh đã ghi được đến 9.000 bàn thắng khi còn thi đấu tại các cấp của đội trẻ. Anh cũng là cầu thủ trẻ nhất được đôn lên đội một của Barca (khi mới chưa đầy 17 tuổi). Và kể từ đó, mỗi năm người Catalan lại có một câu chuyện để bàn tán về tiền đạo trẻ này.
Đầu năm, người ta sẽ nói với nhau rằng: “đây sẽ là mùa Bojan tỏa sáng” để rồi cuối mùa là một điệp khúc quen thuộc: “thất vọng”. Barca hiện tại có quá nhiều nhân tài, điều đó vô hình chung đã đặt lên vai những cầu thủ trẻ như Krikic quá nhiều áp lực - thứ mà anh không thể vượt qua. Chuyển đến Roma là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết cho sự nghiệp của tiền đạo trẻ người TBN và nên nhớ, anh mới chỉ 22 tuổi.
Kaka (Real Madrid)
Câu chuyện của Kaka tại Real là một câu chuyện dài bất tận và chưa có hồi kết. Anh là cầu thủ đắt giá thứ ba trong lịch sử của Real và là người mà chủ tịch Florentino Perez đích thân mang về. Tuy nhiên, Kaka chưa khi nào trở lại là chính mình kể từ khi chuyển sang Real.
Chấn thương hay sự xuất sắc ngoài mong đợi của Oezil đều có thể được coi là nguyên nhân cho sự sa sút của “thiên thần”. Nhưng dù thế nào đi nữa, đó cũng là một sự lãng phí quá lớn của ban lãnh đạo Real. Và mặc dù mùa giải năm nay, anh đã thi đấu khởi sắc hơn, nó vẫn chưa xứng đáng với số tiền mà Real bỏ ra để mang anh về và sự kỳ vọng lớn lao của người hâm mộ.
Thành Duy
Theo Bưu điện Việt Nam