Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 án phạt tỷ đô của các tập đoàn lớn trên thế giới

Án phạt kỷ lục lên tới 34 tỷ USD thuộc về công ty dầu khí đa quốc gia BP, do gây nên thảm họa tràn dầu kinh hoàng trên vịnh Mexico năm 2010.

10. Intel: 1,45 tỷ USD

Năm 2009, hãng công nghệ Intel đã bị Liên minh châu Âu phạt 1,45 tỷ USD vì vi phạm luật cạnh tranh, dồn ép sự lựa chọn của khách hàng trên thị trường. Khoản nộp phạt này chiếm đến 33% tổng doanh thu của Intel năm đó. Đây là mức phạt lớn nhất cho loại vi phạm này tại EU lúc bấy giờ. Chip máy tính của Intel chính là điểm then chốt của vấn đề. Công ty bị buộc tội chi tiền trái phép cho những nhà sản xuất máy tính khác để khiến cho sản phẩm của Intel có lợi thế hơn trên thị trường. Đối thủ gần nhất của Intel, Advanced Micro Devices (AMD) đã khởi tố công ty này vì âm mưu đen tối đó.

9. Abbott Labs: 1,5 tỷ USD

Abbott Labs là một trong số rất nhiều công ty dược phẩm bị dính đến nghi án nhiễm độc trong sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn bị cáo buộc bán trái phép sản phẩm thuốc cho người già là Depakote từ năm 2006 đến năm 2011. Khoản nộp phạt mà nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu nước Mỹ phải trả là 1,5 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng lợi nhuận trị giá 4,7 tỷ USD của Abbott năm đó.

8. Enron Corp: 1,5 tỷ USD

Enron là nhà cung cấp năng lượng có trụ sở tại Texas, Mỹ. Giữa những năm 1990, công ty bắt đầu phát triển tên tuổi của mình khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, thời kỳ đỉnh cao không thể kéo dài, khi vào năm 2005, Enron bị pháp luật “sờ gáy” do những hợp đồng bất chính với cổ đông và nhà đầu tư. Một danh sách những trò gian lận của Enron bị phơi bày, bao gồm cả việc không công bố doanh thu, dối trá cổ đông, khách hàng... Mối nghi ngờ về những hành vi phạm pháp tại Enron được dấy lên từ những nghi vấn xung quanh cuộc tháo chạy bất ngờ của CEO lúc đó là ông Jeffrey Skiling. Đến cuối 2005, Enron tuyên bố phá sản. Mức phạt 1,5 tỷ USD là một trong số những nỗ lực để bù đắp phần nào thiệt hại do những mưu đồ làm ăn bất hợp pháp của Enron gây ra.

7. A.I.G: 1,6 tỷ USD

A.I.G. (American International Group Inc.) là tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính và bảo hiểm đa quốc gia. Năm 2006, Bộ tư pháp Hoa Kỳ cùng Sở Bảo hiểm New York đã phanh phui những hợp đồng thiếu trung thực của A.I.G. bắt nguồn từ hơn một thập kỷ trước. Theo đó, A.I.G đã trả đũa những nhà môi giới khác để thao túng tình hình kinh doanh trong ngành, công ty cũng bị buộc tội làm giả các hợp đồng bảo hiểm để gian lận thuế. Vụ tai tiếng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của A.I.G. Tuy nhiên, công ty vẫn là một trong những nhà môi giới bảo hiểm lớn nhất thế giới bởi 1,6 tỷ USD tiền phạt chỉ chiếm 12% tổng lợi nhuận của công ty trong năm đó.

6. Siemens: 1,6 tỷ USD

Siemens là tập đoàn đa quốc gia của Đức, chuyên về các mảng truyền thông, điện tử. Năm 2008, công ty bị buộc tội đút lót và mua chuộc quan chức cấp cao của Đức và Mỹ. Một loạt khoản thanh toán bí mật cho các quan chức Mỹ để trúng thầu hợp đồng tại Venezuela, Israel, Bangladesh và Nga đã bị tiết lộ. Nghiêm trọng nhất là trường hợp liên tiếp mua chuộc chính quyền Irac để thắng các hợp đồng béo bở liên quan đến chương trình dầu dùng cho thực phẩm. Vụ tham nhũng đã bị điều tra và xử tại toà vào năm 2007. Sau đó, công ty phải tìm tổng giám đốc điều hành mới và thay thế một nửa vị trí giám đốc quản lý cấp cao. Tổng mức phạt 1,6 tỷ USD bao gồm khoản phạt 800 triệu USD do toà án Mỹ phán quyết và 814 triệu USD tại toà án Đức.

5. Johnson & Johnson: 2,2 tỷ USD

Johnson & Johnson chuyên về các sản phẩm tiêu dùng, thiết bị y tế và dược phẩm. Năm 2002, tập đoàn đa quốc gia này gặp rắc rối với nhãn hiệu thuốc chống rối loạn tâm lý Risperdal vốn có mặt trên thị trường từ những năm 1990. Loại thuốc này được đăng ký sử dụng để điều trị chứng tâm thần phân liệt, sau đó được bổ sung để điều trị chứng mất trí nhớ với đối tượng người già. Tuy nhiên, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phạt hãng này khi thu thập được số liệu lớn về sự phản ánh người dùng rằng, thuốc có công dụng sai so với đăng ký. Với tính chất nghiêm trọng liên quan đến vấn đề đạo đức kinh doanh và tính mạng của nhiều người sử dụng, Johnson & Johnson đã chịu mức phạt 2,2 tỷ USD – chiếm 1/4 lợi nhuận của công ty vào năm đó.

4. Pfizer: 2,3 tỷ USD

Pfizer cũng một trong những tập đoàn dược phẩm đa quốc gia bị buộc tội lừa dối người tiêu dùng về sản phẩm và chịu mức phạt 2,3 tỷ USD. Đây là một trong những án phạt lớn nhất được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc y tế tại Mỹ. Vụ tai tiếng này xuất phát từ sản phẩm thuốc Bextra được bán ra thị trường bởi công ty con của Pfizer là Pharmacia & Upjohn. Công ty này bị cáo buộc có những hình ảnh cũng như lời lẽ quảng bá sai sự thật về tác dụng của thuốc.

3. Time Warner: 2,4 tỷ USD

Năm 2005, công ty truyền thông Time Warner đã bị cáo buộc lừa gạt cổ đông về chi tiết vụ sát nhập với ông trùm internet AOL. Vụ sát nhập sau đó thất bại và gây ra sóng gió trong cả nội bộ công ty lẫn công chúng. Sự quản lý yếu kém trong vụ sát nhập đã khiến giá cổ phiếu của công ty sụt giá thê thảm. Về tính chất pháp lý của sự việc, công ty bị phạt mức tiền gấp đôi mức lợi nhuận chỉ đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2005.

2.  Glaxo-Smith-Kline: 3 tỷ USD

Công ty dược phẩm Glaxo-Smith-Kline nhận mức phạt 3 tỷ USD do ký kết nhiều hợp đồng gian lận nghiêm trọng. Theo đó, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã buộc tội Glaxo-Smith-Kline trả những khoản tiền hoa hồng bất hợp pháp cho nhiều bác sỹ tại các bệnh viện lớn để tiêu thụ dược phẩm cho công ty này. Một bằng chứng được FDA chỉ ra, là Paxil, một loại thuốc giảm đau chỉ dùng cho người lớn của Glaxo-Smith-Kline, bị kê đơn trái phép trong bệnh viện nhi.

1. BP: 34 tỷ USD

Sự cố tràn dầu xuất phát từ vụ nổ thiết bị giàn khoan dầu dưới biển do BP sở hữu lấy đi sinh mạng của 11 người. Một lượng dầu thô khổng lồ rò rỉ và lan tràn trên vịnh Mexico, nơi vốn có môi trường thuỷ sinh độc đáo và những bãi biển đẹp nức. Dầu tại đây rò rỉ với tỷ lệ vượt quá mức 60.000 barrel trong một ngày (tương đương 2,5 triệu gallon dầu), thảm họa chưa từng có trong lịch sử. Sau 3 tháng nỗ lực dọn dẹp, cuối cùng số dầu tràn ra cũng bị kiểm soát và tạm thời ở tình trạng an toàn.

Số tiền phạt chính thức vẫn chưa được công bố, tuy nhiên 34 tỷ USD là con số được các công tố viên đưa ra. Bên cạnh đó, một vài nhân viên của BP cũng phải đối mặt với nguy cơ phạm tội do có hành động thiếu trách nhiệm trong suốt quá trình xảy ra thảm họa.

http://www.therichest.com/rich-list/the-biggest/busted-10-biggest-corporate-fines-ever/

Phong Lâm

Theo Therichest

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm