Tác động của biến đổi khí hậu đến nhân loại sẽ nghiêm trọng hơn, rộng hơn và sớm hơn những gì từng được dự đoán, theo một nghiên cứu mới. Nghiên cứu này cho thấy 1 tỷ người sẽ mất nhà cửa hoặc buộc phải sống dưới cái nóng không thể chịu đựng được với mỗi 1 độ C gia tăng trong nhiệt độ toàn cầu.
Trong kịch bản tồi tệ nhất về sự gia tăng khí thải, các khu vực hiện tại là nơi sinh sống của một phần ba dân số thế giới sẽ nóng như khu vực nóng nhất sa mạc Sahara trong 50 năm tới. Thậm chí trong kịch bản lạc quan nhất, 1,2 tỷ người sẽ không còn sống trong điều kiện khí hậu phù hợp như ít nhất 6.000 năm qua.
Các tác giả của nghiên cứu trên nói họ cảm thấy "choáng váng" và "bất ngờ" vì không nghĩ nhân loại dễ tổn thương như vậy, theo Guardian.
"Những con số khiến chúng tôi sửng sốt. Tôi thực sự đã phải xem lại lần hai khi lần tiên nhìn thấy chúng", ông Tim Lenton ở Đại hoc Exeter nói. "Tôi trước đây từng nghiên cứu về các điểm biến đổi khí hậu thường được coi là tận thế rồi. Song cái này còn nghiêm trọng hơn. Mối đe dọa là rất con người".
Một hồ khô cạn ở Ấn Độ. Ảnh: Getty. |
Phần đông nhân loại đã luôn sống ở các khu vực nơi nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 6 đến 28 độ C, điều kiện lý tưởng cho sức khỏe con người cũng như sản xuất thực phẩm. Song điều này đang thay đổi vì sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, đẩy nhiều người hơn vào tình trạng cực đoan mà các tác giả mô tả là "gần như không thể sống được".
Con người sống trên đất liền, nơi ấm lên nhanh hơn so với đại dương, và hầu hết dân số tăng trưởng trong tương lai sẽ là ở các khu vực vốn đã nóng sẵn như châu Phi và châu Á. Do các yếu tố nhân khẩu này, con người trung bình sẽ chứng kiến nhiệt độ tăng thêm 7,5 độ C khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C, dự đoán diễn ra vào cuối thế kỷ này.
Ở mức độ đó, khoảng 30% dân số thế giới sẽ sống dưới cái nóng cực đoan - tức nhiệt độ trung bình là 29 độ C. Thời tiết như vậy vốn cực kỳ hiếm gặp bên ngoài khu vực nóng nhất ở Sahara, nhưng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C, thì tình trạng này sẽ xảy ra với 1,2 tỷ người ở Ấn Độ, 485 triệu người ở Nigeria và hơn 100 triệu người ở mỗi nước Pakistan, Indonesia và Sudan.
Điều này cũng sẽ làm gia tăng áp lực về di cư và đặt ra các thách thức đối với hệ thống sản xuất thực phẩm.
"Tôi nghĩ là hợp lý khi nói rằng nhiệt độ trung bình hơn 29 độ C là không thể sống được. Bạn sẽ phải bỏ đi hoặc tìm cách thích nghi", giáo sư Marten Scheffer ở Đại học Wageningen, một trong các tác giả chính của nghiên cứu, nói.
"Sẽ có nhiều sự thay đổi trong 50 năm tới hơn trong 6.000 năm qua".