Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

 1 triệu đồng cũng được vay ngân hàng

Những người buôn gánh bán bưng, không tài sản thế chấp cũng có thể vay vốn. Nhiều khoản vay nhỏ, thậm chí chỉ 1 triệu đồng cũng được ngân hàng cho vay.

 1 triệu đồng cũng được vay ngân hàng

Những người buôn gánh bán bưng, không tài sản thế chấp cũng có thể vay vốn. Nhiều khoản vay nhỏ, thậm chí chỉ 1 triệu đồng cũng được ngân hàng cho vay.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), mô hình tín dụng cộng đồng đã được thực hiện nhiều trên thế giới, nhưng tại Việt Nam chưa ngân hàng nào quan tâm, trong khi nhu cầu ở phân khúc này rất lớn. Tuy nhiên, để thực hiện được gói tín dụng này, ngân hàng cần nhiều sự chuẩn bị về nhân lực cũng như sự phối hợp của chính quyền cơ sở. Bởi những đối tượng được cho vay dạng tín chấp này cần có sự xác nhận của địa phương về nhân thân cũng như nhu cầu thực sự về vốn, khả năng trả nợ…

Ông Tâm cho biết thêm, lãi suất (LS) của gói này chắc chắn sẽ cao hơn LS cho vay thông thường, bởi rủi ro từ những đối tượng vay là tương đối cao: "Chúng tôi sẽ cân nhắc thu nhập của từng đối tượng để cho người vay trả góp theo ngày. Có thể là 10.000 đồng hay 20.000 đồng mỗi ngày".

 
Nhiều ngân hàng triển khai gói tín dụng với những khoản vay nhỏ.

Ngân hàng Á Châu cũng vừa tung ra chương trình cho vay tiêu dùng tín chấp với khoản vay có thể gấp 15 lần thu nhập, lên đến 500 triệu đồng. Thời gian vay được ngân hàng  linh hoạt từ 12 - 60 tháng mà không cần thế chấp tài sản. Ngân hàng An Bình (ABBank) thì triển khai gói hỗ trợ 500 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay mua, sửa nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng có thế chấp và vay sản xuất kinh doanh. Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng tung ra gói ưu đãi cho vay 1.600 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua/xây/sửa chữa bất động sản. Đặc biệt, Sacombank áp dụng thời hạn vay lên đến 15 năm, mức vay tối đa 100% giá trị mua, chuyển nhượng, xây dựng, sửa chữa bất động sản, số tiền ưu đãi lên đến năm tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thu Hà, nguyên Phó tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank, cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối 2012 ở Việt Nam khoảng 230.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, và khá thấp so với các quốc gia đã phát triển khoảng 15%. Cũng so với các nước khác, hoạt động vay tiêu dùng do các công ty tài chính đảm nhiệm chiếm 40-50% thị trường cho vay, còn ở Việt Nam thì các ngân hàng thương mại lại chiếm chủ yếu (như VCB, Vietinbank, BIDV, Sacombank, Techcombank, VP, HSBC, Citi bank, ANZ…), các công ty tài chính (như PPF Việt Nam, Prudential FC, VFG, SGVS, JACCS…) chỉ chiếm khoảng 4%.

TS Đinh Thế Hiển, Ủy viên chuyên trách Ủy ban chiến lược Eximbank, Viện trưởng viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho biết kinh tế thế giới và trong nước vài năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp khiến nhu cầu vay vốn của đối tượng này ngày càng giảm. Trong khi các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam hầu hết tập trung mạnh cho phân khúc tín dụng tiêu dùng nên nhiều ngân hàng có chủ trương chuyển sang phân khúc hoạt động này.

Hiện nổi lên loại hình cho vay tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam gồm vay mua nhà (chiếm 83%), vay mua ô tô (chiếm 13%), vay mua xe máy (2%), tiêu dùng (1%) và thẻ tín dụng (1%). Theo phân tích, chi phí trong hoạt động cho vay nhỏ lẻ, phục vụ người dân, tiêu dùng là rất lớn, nhưng bù lại, khi cho vay phân tán, nhỏ lẻ, chênh lệch LS giữa đầu vào đầu ra tương đối tốt (khoảng 4%/năm). Ngân hàng có thể dùng khoản lợi nhuận này để bù đắp cho các chi phí khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng lượng tín dụng các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM giải ngân cho cá nhân vay mua nhà và sửa chữa nhà đã tăng khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương 1,5% so với đầu năm.

Tín dụng tiêu dùng Việt Nam có thể đạt tới 10%/GDP

Theo TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ tín dụng bình quân chiếm khoảng 5-6% GDP. Dự đoán trong vòng 5 năm tới, cùng với kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển, thu nhập đầu người tăng và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ thì tín dụng tiêu dùng trong nước có thể đạt tới 10% GDP, tức tăng bình quân mỗi năm 20%, qua đó trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế…

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm