Xã Đại Đình (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có 15 thôn, 10.000 nhân khẩu với 5 trạm biến áp có tổng công suất lắp đặt 2070 kVA, trong đó 1 trạm cung cấp riêng cho khu du lịch Tây Thiên. Trước đây, điện do hợp tác xã dịch vụ điện Đại Đình cung cấp, người dân tham gia đóng góp theo đầu hộ để xây dựng đường dây hạ thế. Lúc này, điện đã khá yếu, một ngày mất vài ba lần.
Từ ngày 23/3/2015, Công ty cổ phần dịch vụ điện Đại Đình chính thức cung cấp điện cho xã Đại Đình thì tình trạng mất điện trở nên nghiêm trọng hơn. Ngày bình thường, điện mất 5-7 lần, vào những ngày cao điểm thì không dưới 10 lần. Đỉnh điểm, ngày 29 Tết Nguyên đán vừa qua điện lưới bị cắt 14 lần.
Mỗi lần mất điện tầm 1 giờ, chủ yếu là vào ban đêm, 17-22h hàng ngày. Đèn pin vì thế trở thành thứ không thể thiếu trong nhà.
“Cứ đến giờ ăn cơm, xem tin tức thời sự là cắt. Chăn nuôi gà thiệt hại nhiều, đặc biệt giai đoạn úm gà, có hôm gà chết dồn đống cả mấy chục con. Tất cả cũng tại điện mất đột ngột vào ban đêm, gà sợ nên dẫm đạp nhau mà chết", bà Phạm Thị Quế, người chăn nuôi gà thôn Đồng Lính than thở.
Bà cho biết thêm, thiệt hại của gia đình mình không nhiều so với các hộ chăn nuôi khác trong xã. Có nhà sau một đêm, đàn gà chết hơn trăm con. Người chăn nuôi phải tìm mua những bóng tích điện tốt nhất để khắc phục, nhưng không ăn thua.
Không chỉ ảnh hưởng đến chăn nuôi, điện cắt liên tục còn khiến các sinh hoạt cơ bản trong gia đình bị đảo lộn. Người dân phải nấu, ăn cơm từ 4 giờ chiều để tranh thủ ánh sáng ban ngày, còn sau 5 giờ chiều, điện quá yếu để có thể nấu chín cơm.
Trong nhà ông Khổng Minh Sang, thôn Đồng Lính, nhiều đồ điện tử từ bóng điện, quạt máy, tivi đến máy bơm đều đồng loạt hỏng.
“Đồng hồ đo điện của 8 hộ dân chúng tôi bốc cháy vì điện cứ lên xuống liên tục. 30 Tết người ta có điện coi tivi chương trình cuối năm này nọ, vợ chồng tôi cứ nằm trên giường nhìn cái bóng đèn chờ điện sáng. Trẻ con cũng chẳng có điện mà học bài, đứa cháu nhà tôi toàn phải thắp nến”, ông Sang tâm sự.
Mảng tường bị cháy xém do đồng hồ đo điện của 8 hộ dân bốc cháy. Ảnh: Hoàng Như. |
Những lúc có điện là khoàng thời gian hiếm hoi để người dân tranh thủ làm việc, sinh hoạt, nhưng điện lại rất yếu. Công suất điện đo được lúc 17h chỉ là 50W, không đủ để thắp sáng một bóng đèn.
Người dân nơi đây còn bức xúc vì dù điện chập chờn, không dùng được bao nhiêu nhưng tháng nào cũng phải trả 600.000-700.000 đồng
"Hơn 170 hộ trong thôn đã đồng loạt ký vào đơn đề nghị xem xét lại việc cắt điện này. Đời thủa nhà ai ngay khu du lịch mà người dân lại không có điện dùng chứ", ông Phạm Văn Liên, thôn Đồng Lính, ấm ức.
Các hộ dân thôn Đồng Lính ký đơn đề nghị xem xét việc mất điện. Ảnh: Hoàng Như. |
Lý giải cho thực trạng này, Công ty điện lực Tam Đảo (thuộc Công ty điện lực Vĩnh Phúc) cho hay, nguyên nhân chính là ở việc trạm biến áp trên địa bàn xã Đại Đình luôn vận hành lệch pha quá quy định (điển hình trạm biến áp Đại Đình 1: dòng điện pha A mang tải cao (1005A) gần gấp đôi pha C (557A)). Việc này có thể được khắc phục triệt để nếu lưới điện 400V do Công ty cổ phần dịch vụ điện Đại Đình quản lý được cân pha kịp thời.
Ngoài ra, vì nhu cầu sử dụng điện của người dân hiện nay tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm năm 2010, trong khi lưới điện hạ thế không được đầu tư nâng cấp kịp thời.
Đến nay, Công ty cổ phần dịch vụ điện Đại Đình đã làm đơn xin được bàn giao lại việc cung cấp điện ở xã Đại Đình cho Công ty điện lực Tam Đảo. Tuy nhiên, việc thỏa thuận đền bù những trang thiết bị mà Công ty cổ phần dịch vụ điện Đại Đình đã đầu tư chưa đi đến thống nhất.