Từ ngày 9-11/6, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện sẽ tổ chức chuỗi hoạt động tôn vinh 100 cá nhân tiêu biểu toàn quốc lần thứ 14, hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu (14/6).
Ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết trong 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu lần này, nhiều cá nhân đã ngoài 40, 50 tuổi.
Nhiều trong số đó hiến máu từ 60-70 lần trở lên. Hà Nội và TP.HCM có nhiều cá nhân được tôn vinh nhất trong dịp này (cùng có 8 người).
Theo ông Khánh, nhiều người vẫn nghĩ hiến máu tình nguyện chủ yếu là lực lượng học sinh, sinh viên, tuy nhiên, thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua cho thấy đông đảo thành phần người dân đều tham gia hoạt động ý nghĩa này.
100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh trong năm nay. Ảnh: BVCC. |
Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc là hoạt động thường niên được tổ chức ở nước ta từ năm 2007, nhằm tri ân, biểu dương những tấm gương hiến và vận động hiến máu tiêu biểu trong cả nước. Năm nay, ban tổ chức cũng biểu dương, tôn vinh đại diện những người hiến thuộc nhóm máu hiếm.
Năm 2019, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số.
Tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2%, đơn vị máu thể tích từ 350 ml trở lên đạt trên 44%.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng cho hay chương trình Hành trình Đỏ năm 2020 diễn ra từ ngày 6/6 đến 8/8 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại 42 tỉnh thành, dự kiến tiếp nhận 80.000 đơn vị máu.
Hành trình Đỏ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, qua 7 năm, đã vận động, tiếp nhận được hơn 250.000 đơn vị máu. Ông Khánh cho biết thành công của Hành trình Đỏ những năm gần đây đã minh chứng đây là một giải pháp hữu hiệu để duy trì nguồn người hiến máu an toàn, ổn định và hướng đến sự bền vững của phong trào hiến máu tình nguyện.
Ông chia sẻ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống toàn thế giới nói chung và dịch vụ truyền máu nói riêng. Khi dịch còn diễn biến phức tạp, máu tiếp nhận không thể đủ cho điều trị.
Hiện tại, nhiều nước phát triển đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm máu. Chỉ có nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên mới có thể giúp dịch vụ truyền máu các nước vượt qua được những nguy cơ, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh.