Theo Reuters, một cổ đông của Zoom có tên Michael Drieu đã khởi kiện công ty vì “gian dối trong các điều khoản bảo mật" cũng như những lùm xùm liên quan gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Ngay cả những cổ đông của công ty cũng dần mất niềm tin với Zoom. Ảnh: Fossbytes. |
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Zoom nổi lên như một công cụ làm việc và học tập từ xa được nhiều người ưa chuộng. Tính đến ngày 23/3, giá cổ phiếu của Zoom đã chạm ngưỡng 159,56 USD. Trong khi đầu năm nay, giá cổ phiếu chỉ ở mức 70 USD.
Đến hôm 7/4, Zoom ghi nhận giá cổ phiếu công ty giảm xuống mức 113 USD vì những vấn đề về lỗi bảo mật. Thậm chí, sau một loạt cáo buộc về mất an toàn quyền riêng tư người dùng, CEO Eric Yuan đã lên tiếng xin lỗi vì những sai lầm của Zoom.
Eric Yuan cho biết trong vòng 3 tháng tới, Zoom sẽ không tập trung phát triển các tính năng mới, mà thay vào đó gia tăng tính bảo mật và quyền riêng tư của ứng dụng. Hàng tuần, Yuan cũng sẽ cập nhật các thông tin về an toàn bảo mật trên Zoom và công bố rộng rãi cho người dùng.
Eric Yuan, người đứng sau sự thành công của Zoom. Ảnh: Zoom. |
Khả năng bảo mật yếu kém đã khiến người dùng Zoom gặp phải một hiện tượng tấn công có tên gọi “Zoombombing”, cho phép kẻ lạ mặt truy cập ngẫu nhiên vào cuộc họp và truyền đi những nội dung khiêu dâm.
Ngay sau đó, FBI đã vào cuộc và khuyến cáo các công ty, tổ chức không nên sử dụng Zoom để tiến hành cuộc họp. Một số công ty như SpaceX của Elon Musk đã gửi thông báo đến nhân viên yêu cầu không sử dụng Zoom cho các cuộc họp nội bộ.
Đầu tuần này, thành phố New York đã ra lệnh các trường học không được sử dụng Zoom để giảng dạy trực tuyến sau khi có những kẻ xấu thực hiện “Zoombombing”. Đài Loan cũng cấm các nhân viên trực thuộc chính phủ sử dụng nền tảng này vì lo ngại mất an toàn an ninh quốc gia.