Ngày 20/5, Zalo tuyên bố có 30 triệu người dùng cùng 400 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày.
Với lượng người dùng khổng lồ, ưu tiên lớn nhất của Zalo là hoàn thiện sản phẩm và hạ tầng kỹ thuật để duy trì ưu điểm nhanh và ổn định của sản phẩm. Trong ngày cán mốc 30 triệu người dùng, đại diện Zalo hé lộ về việc mở nền tảng cho các đối tác thứ ba. Zalo sẽ ưu tiên tích hợp các dịch vụ thiết thực với đời sống hàng ngày như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thông tin tiện ích, ẩm thực, mua sắm…
Zalo có thêm 10 triệu người dùng sau nửa năm. Ảnh: Zalo. |
“Chúng tôi hy vọng Zalo không chỉ là công cụ thông tin liên lạc thuần túy mà có thể phục vụ cho nhiều nhu cầu khác trong cuộc sống” – đại diện Zalo cho biết.
Ra mắt cuối 2012, Zalo được người dùng ưa chuộng bởi khả năng đảm bảo liên lạc nhanh, ổn định. Ứng dụng luôn dẫn đầu các bảng xếp hạng iOS, Android, Nokia và Windows Phone. Ngoài ra, Zalo đã ra mắt phiên bản PC và Web để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dùng.
Nhiều tổ chức dùng Zalo như một công cụ quảng bá và tuyên truyền cho các hoạt động kinh tế, xã hội. Ngoài việc được Văn phòng Chính phủ chọn làm kênh truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng sử dụng Zalo làm cầu nối để cộng đồng gửi những lời nhắn động viên đến nhân dân và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Nhiều nhãn hàng như McDonald’s, Coke, Redbull, Clear… cũng chọn Zalo làm kênh tiếp cận khách hàng.
Hiện nay, Zalo đang được sử dụng như một công cụ mới, hiện đại trong chiến dịch chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại của Bộ công thương. Trước đó, cảnh sát giao thông Hà Nội sử dụng tính năng gửi ảnh của Zalo để cập nhật tình hình phương tiện vi phạm giữa các thành viên tổ trực, giúp việc điều khiển giao thông linh hoạt hơn.