L
ần đầu tiên vlogger nổi tiếng Lucy Moon phải gặp bác sĩ trị liệu xin lời khuyên giải tỏa áp lực công việc cũng là lúc cô nằm trong top các YouTuber nổi tiếng nhất. Lượng người ủng hộ trên kênh của Lucy chiếm phần lớn lượt truy cập trên YouTube, các nhãn hàng lớn đua nhau ký hợp đồng quảng cáo biến cô trở thành hình tượng của công chúng.
Vì thế, khối lượng công việc tăng lên đáng kể đồng nghĩa với việc gìn giữ hình tượng lúc nào cũng phải thật hoàn hảo trước camera ở mọi thời điểm.
Nghề làm dâu trăm họ
"Như thế thật không tốt chút nào, công việc áp lực như vậy mà hoàn toàn không có bảo hiểm lao động", vị bác sĩ trị liệu của cô hoàn toàn bất ngờ. Lucy Moon và các đồng nghiệp của cô luôn phải "sống chung với lũ" như vậy.
Theo suy nghĩ thông thường của đại đa số người dùng, YouTuber là những người chuyên làm việc tại nhà không phải di chuyển nhiều, quay video thì ai chẳng làm được hay việc sáng tạo nội dung tự do biến YouTuber trở thành công việc nhàn nhã.
YouTuber không phải công việc trong mơ. |
Tuy nhiên, sáng tạo nội dung cho YouTube đồng nghĩa với việc vận hành một công việc kinh doanh nghiêm túc. YouTuber phải tự mình trang bị kiến thức kinh tế từ cơ bản đến nâng cao, khả năng dự đoán thị trường, đàm phán các hợp đồng quảng cáo, kể cả công việc quản lý nhân sự.
"Tốt nghiệp đại học, tôi mắc kẹt trong hố sâu tìm kiếm bản thân. Tôi dự định làm video cho vui, ai dè lượng người ủng hộ ngày càng tăng nên tôi quyết định trở thành YouTuber", Lucy Moon chia sẻ.
Trong suốt 2 tháng đầu năm 2017, Lucy cho ra lò khoảng 30 hoặc 31 video mỗi tháng đồng thời tự học về kinh doanh. Lịch trình hàng ngày của cô là ngồi trước máy tính hàng tiếng đồng hồ tự quay/chỉnh sửa sản phẩm sau đó tự mình lên kế hoạch truyền thông, gặp gỡ đối tác...
"Bạn không thể dừng lại. Thuật toán của YouTube không cho phép bạn làm thế, lượng người theo dõi sẽ giảm khủng khiếp"
- PewDiePie, YouTuber nổi tiếng thế giới.
Sức khỏe tâm thần của Lucy Moon đã đến cực hạn. Cô thường xuyên thiếu ngủ, ăn uống thất thường. Không những thế, việc luôn cố gắng "đắp mặt nạ" bản thân, luôn cố gắng tỏ ra mình ổn trong khi gặp phải không ít biến cố gây ra nhiều tác hại tâm lý đáng kể.
"Một khi bạn đã dấn thân vào con đường này, bạn không thể nào dừng lại. Khán giả sẽ bỏ bạn mà đi nếu bạn ngừng đăng video dù chỉ 1 ngày", Lucy trả lời The Guardian.
YouTube: số lượng hơn chất lượng
Thuật toán làm việc của YouTube làm đau đầu các YouTuber trong nhiều năm qua. Người làm video luôn phải mò mẫm tìm cách phổ biến hóa sản phẩm của họ chỉ vì YouTube không chính thức công bố nguyên lý hoạt động của trang web. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tại Anh, YouTube có xu hướng ưu tiên số lượng hơn cả.
"Thuật toán của YouTube thường ưa thích các kênh có lượt upload đều đặn bất kể chất lượng. Điều này khuyến khích sự bùng nổ của những video có nội dung nghèo nàn, càng đăng nhiều càng dễ trở nên nổi tiếng và sinh lời", Zoe Glatt, thạc sĩ nghiên cứu tại trường Đại học Kinh tế London cho hay.
YouTube ngày càng quan trọng số lượng hơn chất lượng nội dung. |
Ông còn cho rằng YouTube gián tiếp đẩy những người làm video đến bờ vực khủng hoảng vì sự không rõ ràng của thuật toán.
"Bạn không thể biết nội dung nào sẽ được YouTube đẩy lên hay video nào sẽ bị tắt tính năng kiếm tiền", Zoe nói.
Chính vì thế, YouTuber đang trong tình thế căng thẳng hơn bao giờ hết. Họ phải liên tục upload video với số lượng lớn mỗi ngày đồng thời sáng tạo thêm nhiều nội dung mới mẻ nhằm cạnh tranh với hàng tá đối thủ khác.
Cuộc chạy đua không hồi kết
Theo The Guardian, trở thành gương mặt nổi tiếng trên YouTube hiện nay là hai mặt của một đồng xu, vừa khó nhưng cũng rất dễ. Lượng video trên YouTube càng gia tăng mỗi ngày đồng nghĩa với việc càng nhiều sự cạnh tranh. Giải pháp cho các kênh mới nổi là đăng thật nhiều video mặc kệ nội dung.
"Lượng người tham gia vào cuộc đua YouTube như muốn bùng nổ trong những năm gần đây", Matt Gielen, chuyên gia của Little Monster, agency trong lĩnh vực phát triển YouTube chia sẻ.
Thông thường, để xây dựng một cộng đồng khán giả nho nhỏ, một YouTuber bình thường sẽ đăng tải video ngắn tối đa ba phút mỗi tuần. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây của Gielen, con số video được đăng tải tăng lên 3 video mỗi tuần với thời gian cần thiết để được YouTube cho phổ biến là 10 đến 12 phút.
Thuật toán của YouTube đẩy người sản xuất video đến bờ vực trầm cảm. |
"Khi tôi mới bắt đầu mở kênh từ năm 2007, người ta thường ít xem các video dài hơn 4 phút, còn giờ những video dài 8 phút, 10 phút hay cả tiếng đồng hồ là chuyện thường", MCDonnell, YouTuber người Anh chuyên sản xuất các video chủ đề khoa học cho hay.
Chất xám của những người sản xuất video bị rút cạn. Emma Blackery bắt đầu kênh YouTube đầu tiên của cô vào đầu năm 2012. Tại thời điểm đó, kênh của cô gặt hái nhiều thành công vì Emma là nữ nghệ sĩ hài người Anh đầu tiên trên YouTube. Nhưng, thời thế đổi thay.
"Giờ đây, ai cũng có thể thành YouTuber. Bạn phải trở nên nổi bật nếu muốn tồn tại. Đó là lý do tại sao mọi người có xu hướng sáng tạo nhiều video có nội dung nguy hiểm", Emma trả lời The Guardian.
YouTuber chịu trận
Kể cả những người thành công và nổi tiếng nhất cũng không thoát khỏi vòng xoáy lao lực từ YouTube. Felix Kjellberg, YouTuber nổi tiếng được biết đến với cái tên PewDiePie bắt đầu sự nghiệp từ năm 2010.
Chỉ trong vòng 3 năm, PewDiePie trở thành kênh được đăng ký nhiều nhất trên YouTube. Tháng 2/2013, PewDiePie nhận được 5 triệu lượt đăng ký, chỉ một tháng sau, anh tăng thêm 1 triệu và nhận lời mời phỏng vấn từ New York Times. Cuối tháng 7 năm nay, anh đã đăng tải một video cho gần 64 triệu người theo dõi kênh của mình, bày tỏ nỗi lo ngại khi dừng upload dù chỉ 1 ngày.
Lịch làm việc của một YouTuber quá căng thẳng. |
"Bạn không thể dừng lại, thuật toán của YouTube không cho phép bạn làm thế, lượng người theo dõi sẽ giảm khủng khiếp", PewDiePie chia sẻ trên video.
Đối với những YouTuber thực sự đầu tư vào sản phẩm của mình, áp lực công việc tăng lên gấp đôi. Emma Blackery cho hay lịch làm việc của cô vốn dày đặc nay lại nặng nề hơn. Cụ thể, mỗi tuần cô đăng 2 video trong khi vận hành cùng lúc 2 công ty, một phòng thu âm, chuẩn bị ra album mới, làm video âm nhạc. Chưa kể, Emma còn kiêm thêm công việc một nhà kinh tế học mỗi khi cô lên kế hoạch cho đề tài tiếp theo.
"Khi một video không có nhiều lượt view, lý do có thể là mọi thứ, nhưng bạn vẫn luôn tự trách bản thân rất nhiều", Emma nói. Điều này gây nên tác động cực kỳ xấu đối với sức khỏe tinh thần của các YouTuber. "Nhiều lúc tôi muốn trở nên thật lạc quan nhưng vô vọng", cô mỉm cười.