Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

YouTube bị xác định có sai phạm trong quảng cáo tại Việt Nam

Nhiều đoạn quảng cáo của các thương hiệu, sản phẩm lớn tại Việt Nam đăng trên YouTube có nội dung tuyên truyền thông tin xấu, chống phá chế độ.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH & TTĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua Cục đã tiến hành giám sát và phát hiện một số nội dung quảng cáo chèn vào các video trên YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền thông tin chống phá Nhà nước Việt Nam, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Cụ thể, nhiều video có nội dung xấu trên YouTube xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng có mặt tại Việt Nam, như Comfort (Unilever), Pampers, Ariel (P&G), Samsung, Yamaha... Một số khác xuất hiện dưới dạng video đề xuất (suggest) khi người dùng đang xem các nội dung giải trí lành mạnh.

YouTube sai pham tai Viet Nam anh 1
Nhiều clip quảng cáo trên YouTube vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam. Ảnh: TechnoBuffalo.

“Qua phân tích, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy đây là sai phạm nghiêm trọng cần xử lý ngay”, ông Do cho hay.

Cơ quan chức năng đã đề nghị các doanh nghiệp sở hữu quảng cáo phải gỡ bỏ ngay hình ảnh trên các video có nội dung xấu, đồng thời báo cáo giải trình về lý do để xảy ra sai phạm này.

“Chúng tôi đã có công văn khẩn mời đại diện của YouTube và Google đến làm việc để phối hợp xử lý những sai phạm nói trên theo Thông tư số 38 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý thông tin công cộng qua biên giới", ông Do nói.

Ông cũng khẳng định trách nhiệm chính trong các sai phạm nghiêm trọng này thuộc về YouTube: “Mạng xã hội chia sẻ video này có các thuật toán, công cụ kỹ thuật và hợp đồng với khách hàng quảng cáo để hướng quảng cáo tới nhóm người dùng cụ thể. Từ góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi nghĩ rằng họ phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm được quảng cáo trên video có nội dung xấu trên YouTube cũng phải chịu trách nhiệm. “Dù có ủy quyền, các nhãn hàng không thể phó mặc hết cho YouTube muốn phát quảng cáo ở đâu cũng được”, Cục phó PTTH & TTĐT nhấn mạnh.

Thông tư 38 mới ban hành quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại nước ngoài sử dụng trang tin điện tử, mạng xã hội để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam truy cập hoặc sử dụng dịch vụ. Theo đó, các nền tảng, dịch vụ đến từ nước ngoài như Google, Facebook phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam. Họ phải thông báo thông tin liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời phối hợp với Bộ để xử lý những nội dung vi phạm.

Thành Duy

Bạn có thể quan tâm