Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Young Uno: 'Hành Or có thể vươn lên vị trí tương đương Sơn Tùng'

"Nếu có cơ hội và được đầu tư, đào tạo tốt, Hành Or hoàn toàn có khả năng vươn lên vị trí tương đương Sơn Tùng ở tương lai" - Young Uno nói.

young uno rapper anh 1
Hành Or - thí sinh được rapper Young Uno kỳ vọng giống Sơn Tùng Tại vòng Chinh phục, Hành Or có phần trình diễn bùng nổ trên nền nhạc của Beethoven. Nam rapper được coi là nhân tố sáng giá ở nhạc Việt.

"Chắc chắn tôi và LK là người đầu tiên ở Việt Nam theo đuổi rap", Young Uno chia sẻ trong buổi trò chuyện cùng Zing.

Chủ nhân hit Tuyết yêu thương dành cho Zing một buổi chiều để nhìn lại quá trình hình thành của rap Việt, từ khi là một nhóm bạn cùng trò chuyện trong forum âm nhạc kiểu cũ cho tới thời điểm phủ sóng đại chúng hiện nay.

Young Uno khẳng định rap bùng nổ trên sóng truyền hình là điều tất yếu, bởi rap nói riêng và văn hóa hip hop nói chung cũng từng có giai đoạn cực thịnh vào những năm giữa thập niên 2000. Sự nổi tiếng hiện nay như một vòng lặp có quy luật của âm nhạc.

Rap Việt chuẩn bị kỹ, King of Rap gấp gáp

- Anh nhận xét gì về việc hai cuộc thi rap cùng lúc đổ bộ sóng truyền hình và được khán giả mang ra so sánh về mọi khía cạnh, từ thí sinh đến huấn luyện viên, chất lượng âm nhạc...?

- Hai cuộc thi trên với tôi như một lần đưa ra kết quả tổng hợp xem rap và hip hop ở đâu phát triển nhanh hơn. Rap Việt và King of Rap là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những gì đã diễn ra trong trong cộng đồng hip hop, underground suốt 10 năm qua.

- Đánh giá cụ thể của anh về King of Rap và Rap Việt, dưới góc độ của người có kiến thức về âm nhạc và sản xuất truyền hình?

- Đây là những format xuất sắc. Rap Việt đang thể hiện những gì tốt nhất của showbiz phía Nam, từ khâu sản xuất hình ảnh, nhân tố tham gia show, tới âm nhạc... Rap Việt có hiệu ứng truyền thông tốt hơn King of Rap, đây là điều có thể nhìn thấy khá rõ.

Rap Việt và King of Rap là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những gì đã diễn ra trong trong cộng đồng hip hop, underground suốt 10 năm qua.

Tuy nhiên, tôi cho rằng ê-kíp King of Rap đang hướng đến mô hình cuộc thi thuần túy nên chưa đầu tư quá mạnh vào mặt hình ảnh, hiệu ứng thị giác hay độ phủ sóng truyền thông. Nói chung, với tiêu chuẩn chương trình truyền hình, King of Rap đã làm tốt, nhưng chưa phải là hoàn hảo và phô diễn được những điểm tốt nhất của thị trường ngày nay.

Nói về chất lượng âm nhạc, hai bên ngang ngửa, đều có màu sắc riêng. King of Rap là chương trình có tính đối đầu cao, âm nhạc không mang tính giải trí nhiều, sample đơn giản, hòa âm phối khí phục vụ thí sinh battle nhiều hơn là để tạo hit. Trong khi đó, tiết mục bên Rap Việt được đầu tư nhiều yếu tố để gây "sốt".

Young Uno cho rằng King of Rap có khâu chuẩn bị khá gấp rút. Ảnh: Tùng Đoàn.

- Theo anh, ý đồ của điểm khác biệt trên là gì?

- Đây là cảm nhận của tôi. Rap Việt đã chuẩn bị kịch bản, lựa chọn format sản xuất hay huấn luyện viên, producer là ai... từ lâu rồi. Ê-kíp triển khai rất nhanh. Các huấn luyện viên của Rap Việt đều là những người "hot" nhất, và nhà sản xuất nhanh tay "tóm" hết. Vì vậy, King of Rap đã chậm một bước. Có thể, sát thời điểm phát sóng họ mới nghĩ tới việc mời ai ngồi vào ghế huấn luyện.

Thực tế, nhà sản xuất King of Rap cũng mời tôi làm huấn luyện viên. Nhưng thời điểm ấy, tôi có việc riêng nên không trả lời được ngay, mà nhà sản xuất khá vội vã, không chờ được tôi đưa ra quyết định. Nên tôi nghĩ bốn huấn luyện viên là những người tốt nhất họ mời được.

Tất nhiên bộ tứ của King of Rap đều là những người có kinh nghiệm, có vị thế trong giới và hoàn toàn xứng đáng ngồi ghế huấn luyện viên để chỉ dẫn các bạn trẻ. Tôi cho rằng họ có lựa chọn khác nhưng không mời được. Đơn giản là ai nhanh tay thì mời được người hot nhất. Còn chất lượng âm nhạc, chuyên môn của dàn huấn luyện viên hiện tại, tôi cho rằng hai bên cân bằng.

- Anh đánh giá gì về thí sinh hai cuộc thi, ai là người tiềm năng nhất?

- Chất lượng ở hai cuộc thi tương đối đồng đều, nên đưa ra lựa chọn khá khó. Người vừa rap hay vừa hát hay mới khó tìm, còn người rap giỏi thì không khó. Trên quan điểm cá nhân, tôi chia ra rõ ràng hai tiêu chí, một là nghệ sĩ tổng hợp và một là rapper thuần.

Ở King of Rap, Hieuthuhai có lợi thế ngoại hình, dễ biến hóa nhiều hình ảnh. "Quái vật" như ICD lại phát triển sâu mảng rap life và những khía cạnh gai góc. Lối đi của bạn không mang tính giải trí.

Tôi chưa tìm thấy ai có khả năng phát triển toàn diện như Sơn Tùng, cả về hát, nhảy, kỹ năng biểu diễn. Người tiệm cận tiêu chuẩn tôi trông đợi là Hành Or. Tôi không rõ bạn có hát được không vì chưa làm việc cùng bao giờ, nhưng khả năng rap và vũ đạo của bạn đã khá tốt. Nếu có cơ hội và được đầu tư, đào tạo tốt, Hành Or hoàn toàn có khả năng vươn lên vị trí tương đương Sơn Tùng ở tương lai.

Tôi chưa tìm thấy ai có khả năng phát triển toàn diện như Sơn Tùng. Người tiệm cận tiêu chuẩn tôi trông đợi là Hành Or.

- Anh đã liệt kê nhiều điểm được của hai cuộc thi, vậy còn điểm chưa được thì sao?

- Khi theo dõi, tôi thấy thang điểm của hai chương trình chưa thực sự rõ ràng. Ví dụ, với một tiết mục, bảng điểm có thể chia rõ điểm số cho flow, lyrics, tổng hợp về chuyên môn rap... là bao nhiêu. Ngoài ra, nếu có thể thêm thang điểm cho khả năng biểu diễn như phong cách ăn mặc, ca hát, giao lưu khán giả... thì tốt.

Nên chia ra thang điểm chi tiết, thang điểm về chuyên môn rap vẫn chiếm tỷ trọng cao, thang điểm phụ thấp nhưng nên có. Điểm số cho thí sinh cũng nên được công bố rõ ràng, khán giả sẽ có góc nhìn công bằng hơn.

Tất nhiên chương trình về rap sẽ tìm ra rapper giỏi nhất. Nhưng ai có nhu cầu tìm đến các nghệ sĩ có xu hướng giải trí, có kỹ năng tổng hợp thì sẽ tìm lại bảng điểm yếu tố phụ chẳng hạn.

Về cơ bản, đây là chương trình cho khán giả xem, khán giả cần hiểu tại sao thí sinh này được vào, tại sao người kia không. Thay vì huấn luyện viên, ban giám khảo chỉ bàn nhau rồi đưa ra một quyết định chung chung, người xem có thể muốn minh bạch các yếu tố dẫn đến kết quả đi tiếp hay bị loại. Hai chương trình chưa làm rõ ý đồ trên nên dẫn đến tranh cãi trái chiều ở khán giả.

young uno rapper anh 2

Chủ nhân hit Tuyết yêu thương chia sẻ quan điểm hai cuộc thi rap nên công khai bảng điểm của mỗi thí sinh. Ảnh: Tùng Đoàn.

Rap Việt xuất phát từ Kpop

- Từng là một trong những tên tuổi có tiếng nhất cộng đồng underground trong thập niên 2000, vì sao anh không còn năng nổ với âm nhạc và phát hành sản phẩm như những đồng nghiệp cùng thời?

- Từng tham gia biểu diễn trên sân khấu một thời gian, nhưng tôi không phải kiểu nghệ sĩ thiên về đi hát, đi diễn, không phải ca sĩ. Tôi là người làm sản xuất.

Cho đến giờ, tôi vẫn làm nhạc, vẫn sáng tác và hợp tác với các anh em underground. Tôi xuất thân từ nhạc viện, học khoa Lý - Sáng - Chỉ nên có xu hướng nghiêng về produce hơn. Thậm chí, tốt nghiệp xong tôi còn làm công việc sản xuất chương trình ở đài truyền hình.

- Cơ duyên nào dẫn anh đến với rap nói riêng và hip hop nói chung ngay từ đầu thập niên 2000?

young uno rapper anh 3

Young Uno tiết lộ anh biết đến hip hop nhờ "huyền thoại Kpop" H.O.T. Ảnh: Tùng Đoàn.

- Tôi quen những anh em cùng theo đuổi hip hop đầu tiên qua diễn đàn của nhóm nhạc Hàn H.O.T. Thời đó, chúng tôi không biết gì nhiều, chỉ biết phong cách mặc quần rộng, đeo xích bên hông, để tóc dài và nhảy những bài như thế thì được gọi là hip hop.

Chúng tôi khi đó đều thích H.O.T, nhìn thấy họ biểu diễn thế nào thì học theo như vậy, rồi mới trao đổi nhiều hơn về âm nhạc, rap, hát...

Tiếp theo, nhờ những bài nhạc hải ngoại của Eddy Việt hay Khanh Nhỏ, chúng tôi - gồm tôi, LK và chủ forum H.O.T hồi ấy - nhận ra sở thích với âm nhạc và lập forum mới, bắt đầu nghiên cứu về rap. Thời mới bắt đầu, rap chỉ là một phần trong trào lưu hip hop và không được chú ý. Mọi người tập nhảy nhiều hơn, nhiều nhóm như Big Toe, Ziczac xuất hiện, sau đó có thêm Halley.

- Theo đuổi rap và hip hop từ đầu thập niên 2000 nhưng dấu ấn anh để lại trong lòng khán giả chỉ có ba chữ "Tuyết yêu thương". Anh nghĩ sao về việc này?

- Nói thực lòng, Tuyết yêu thương không phải bài hát tôi thích nhất, nhưng đó lại là bài có hiệu ứng truyền thông tốt nhất. Tôi sáng tác Tuyết yêu thương vào năm 2003 và ca khúc đã được yêu thích trong cộng đồng rap từ thời điểm đó, sau này bùng nổ nhờ xuất hiện trên game trực tuyến.

Tuy nhiên, sau đó, tôi không sáng tác nữa vì bận đi làm. Vậy nên tôi cứ đi diễn là hát Tuyết yêu thương. Thời đó, nếu tôi không bận đi làm thì có thể sẽ có hit khác, nhưng có lẽ cái duyên chỉ tới đó nên tôi cứ hát mãi một hit như thế (cười).

Tới 2008-2009, tôi làm thêm Let You Go Nhớ. Thực ra, Let You Go được làm theo đơn đặt hàng của Ưng Hoàng Phúc. Anh Phúc đã mời tôi và LK vào TP.HCM một thời gian để hợp tác sản xuất album mới. Cuối cùng, anh Phúc không chọn Let You Go vì cho rằng quá mới mẻ và khác biệt với phong cách của anh ấy. Ca khúc được chọn là Căn gác trống - một bài có hơi hướm Rn'B và dễ nghe hơn.

- Vậy nên anh "tiếc của" và quyết định đăng tải ''Let You Go'' với hy vọng mang về bản hit tiếp theo cho mình?

- Tôi vốn không có ý định đăng bài lên để được chú ý hay đi diễn. Đơn giản là tôi thích Let You Go. Lúc ấy, tôi làm nhạc đã thông minh hơn, có tính toán hơn, trong khi Tuyết yêu thương chỉ được làm theo bản năng.

Có thể do hồi đó đầu óc tôi nhạy bén nên những gì tôi làm khi đó đã đi trước thời đại chăng?

Có thể do hồi đó đầu óc tôi nhạy bén nên những gì tôi làm khi đó đã đi trước thời đại chăng? Những gì tôi làm vào năm 2009, tôi nghĩ tới giờ showbiz vẫn chưa làm được.

- Anh có kiêu ngạo, tự cao khi cho rằng bản thân đi trước thời đại, không ai bì kịp?

- Ví dụ, với Let You Go, tôi tự sản xuất nhạc, tự thu âm, mixing, viết lyrics, viết lời rap và tự dàn dựng vũ đạo. Tôi còn tự tính toán là phải bắt chước Kpop, cởi áo làm điểm nhấn tiết mục (cười).

Nói thật lòng, tới giờ này, người làm được như tôi ở showbiz Việt có lẽ chỉ có Sơn Tùng M-TP. Nhưng phong cách của Sơn Tùng gần gũi với khán giả hơn, còn nhạc của tôi hồi đó thì hơi gai góc, khó tiếp cận.

Đã là người làm âm nhạc, ai cũng có chất riêng, giá trị riêng. Nhưng với những người đầu tiên bước đi tìm cái mới như tôi và LK, chúng tôi phải tự học qua mạng, không ai dạy dỗ.

Chúng tôi học từ Kpop, sau đó chuyển sang hip hop kiểu Mỹ... Ngay cả những lớp dạy rap đầu tiên ở Việt Nam cũng do chúng tôi mở ra. Chắc chắn tôi và LK là người đầu tiên ở Việt Nam theo đuổi rap.

Rap lên sóng vì truyền hình cạn ý tưởng game show

- Tự nhận là một trong hai người đầu tiên ở Việt Nam đến với rap, anh nghĩ sao với danh xưng "lão đại" Wowy?

- Chính tôi cũng gọi Wowy là lão đại. Thực ra đây là biệt danh đặt cho cậu ấy để thể hiện sự quý trọng mà thôi.

Quá trình học hỏi, phát triển về rap của Wowy không liên quan đến chúng tôi. Bạn ấy trưởng thành từ cộng đồng underground miền Nam còn chúng tôi ở phía Bắc. Môi trường hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, "lão đại" là biệt danh vui, không phải để phân chia thứ hạng trong cộng đồng rapper. Tôi nghĩ Wowy xứng đáng được gọi là lão đại của hip hop.

Còn tôi, khán giả thích gọi tôi là rapper, ca sĩ, nhạc sĩ hay là gì cũng được.

- Anh nghĩ thế nào về sự bùng nổ của rap hiện nay, đặc biệt là sau nhiều năm bị coi là loại hình âm nhạc "ngoại lai", không chính thống?

- Nói về văn hóa hip hop nhìn chung, tôi vẫn cho rằng thời kỳ của chúng tôi ở thập niên 2000 là đỉnh cao. Khi ấy, hip hop gồm cả rap, vũ đạo, DJ, graffity, văn hóa trang phục... Đó là giai đoạn chúng tôi vừa mới đi lên từ cái gốc không có gì. Giai đoạn phổ biến nhất, đài truyền hình thậm chí làm phim về cộng đồng hip hop (Bước nhảy xì tin) và còn có cả phim chiếu rạp.

Nếu chỉ nói riêng về rap, tôi nghĩ rap đáng lẽ phải bật lên từ lâu rồi. Có lẽ do các nhà sản xuất đã cạn ý tưởng tổ chức show chăng? Tôi cũng là dân truyền hình nên tôi hiểu, nếu có người mạnh dạn làm show về nhạc rap từ trước thì sự thành công đã xuất hiện sớm hơn. Rap vẫn luôn "cháy" từ xưa tới nay, chỉ là bây giờ cái "cháy" ấy được đưa lên sóng truyền hình thôi.

Còn tôi, khán giả thích gọi tôi là rapper, ca sĩ, nhạc sĩ hay là gì cũng được.

- Vậy đứng trên góc nhìn của một người từng làm về truyền hình, theo anh nguyên nhân nào khiến các nhà sản xuất không đưa rap lên show sớm hơn?

- Hip hop từng ở đỉnh cao, huy hoàng. Bản thân tôi đã đi qua giai đoạn hip hop được đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam như Mỹ Tâm, Đan Trường... và được mời tới show diễn ở Mỹ Đình, diễn chung với sao nước ngoài. Nhưng khi đó, mạng xã hội chưa phát triển nên không ai biết, đài truyền hình chính thống cũng không đưa tin nhiều. Nếu có nhắc tới, đó cũng là mẩu tin nhỏ, lướt nhanh trên các bản tin của kênh truyền hình cáp.

Tôi cho rằng giai đoạn đó truyền hình Việt Nam còn mang nặng tính truyền thống, các chương trình phải có tính giáo dục, có khuôn mẫu. Những điều quá khác lạ nên hạn chế xuất hiện trên sóng. Đó gần như là luật bất thành văn. Khi còn làm ở đài truyền hình, tôi biết rằng nếu muốn đưa tin về những gì không đủ truyền thống, biên tập viên phải tìm cách xử lý khéo léo, dễ chấp nhận hơn, không được gai góc và mới lạ quá.

young uno rapper anh 6

Rapper sinh năm 1984 cho biết không để tâm đến danh xưng hay vị thế trong cộng đồng underground. Ảnh: Tùng Đoàn.

- Lý do nào dẫn đến sự phát triển vượt bậc của nhạc hip hop và rap, "thu phục" được khán giả đại chúng như hiện nay?

- Giai đoạn sau khi tôi ít sáng tác và phát hành nhạc, LK và JustaTee lập ra Ladykillah. Ladykillah là nhóm thuần underground, là bước bản lề, nền tảng cho hip hop Việt. Sau đó, JustaTee sang Space Speakers. Nhóm gây dựng thị trường ở miền Nam, nơi có môi trường âm nhạc phát triển mạnh mẽ hơn.

Giai đoạn khoảng 8 năm trước, rất nhiều rapper, nhà sản xuất giỏi như Hoàng Touliver, JustaTee, Rhymastic, BigDaddy... đều Nam tiến. Cơ hội và sức bật thị trường giúp họ có cơ hội phát triển, đến gần khán giả.

Touliver là người thay đổi cục diện nhạc Việt nói chung và rap, hip hop Việt nói riêng. Tôi và LK cũng có thể tính là người tạo ra cột mốc, nhưng để nhạc hip hop và rap lên được tầm cao hơn thì cần những người như Touliver. Cậu ấy hiện thực hóa ý tưởng, đưa âm nhạc Việt tiệm cận với xu hướng thế giới. Đây là điều thế hệ đi trước chúng tôi chưa làm được.

Ai sở hữu ‘cú đấm’ uy lực nhất trong giới rap Việt?

Punchline, theo đánh giá của Rhymastic, là một trong ba trụ cột của rap. Trong khi, một số rapper ví punchline như cú đấm quyền cước của võ sĩ hay pha ghi bàn tung lưới từ cầu thủ.

Nghiêm Ngọc

Bạn có thể quan tâm