Hình ảnh người phụ nữ gốc Việt bị chính chồng mình đánh đập tàn nhẫn làm rúng động dư luận Hàn Quốc suốt tuần qua. Cơ quan chức năng tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam, cho biết nạn nhân phải nhập viện 4 tuần để điều trị gãy xương sườn và nhiều chấn thương nghiêm trọng.
Tường trình vụ án cho biết hung thủ đấm, đá và đập cả chai rượu soju vào người vợ mình.
Từ một thông báo triệu tập điều tra, cảnh sát Yeongam chiều 6/7 phải ra quyết định bắt khẩn cấp nghi phạm vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Họ sợ tên chồng vũ phu lại quen thói bạo hành nên tách ly nạn nhân cùng đứa con trai 2 tuổi đến cơ sở của Trung tâm Quyền lợi Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc.
Cảnh sát cho biết nghi phạm vụ bạo hành tại Yeongam say xỉn và đánh đập vợ mình trước mặt đứa con trai 2 tuổi. Ảnh: Korea Times. |
“Cô không còn ở Việt Nam nữa”
Yonhap cho biết đây dường như không phải lần đầu tiên cô vợ người Việt bị chồng bạo hành. Theo lời trình báo của đồng hương nạn nhân, cái cớ cho vụ đánh đập tàn bạo suốt 3 tiếng chỉ là cô vợ không thể nói sõi tiếng Hàn.
Trong video được lan truyền trên mạng xã hội Hàn Quốc, kẻ vũ phu có đoạn hét lớn “cô không còn ở Việt Nam nữa”.
Nhiều bạn đọc của Zing.vn cũng chia sẻ bức xúc trước vụ bạo hành cô dâu Việt tại Yeongam. “Có nỗi đau nào hơn gả con gái mình về xứ người, đắng cay ngọt bùi cha mẹ nào hay biết... Bi kịch thật sự của cuộc đời một người phụ nữ”, một bạn đọc bình luận.
Dư luận tại Việt Nam không chỉ cảm thấy đau xót riêng cho nạn nhân tại Yeongam, mà còn lo lắng cho cộng đồng cô dâu Việt tại Hàn Quốc.
“Rất nhiều người Việt ở Hàn mong rằng đại sứ quán sẽ lên án mạnh mẽ, yêu cầu phía Hàn Quốc phải xử lý nghiêm khắc đúng theo luật nước họ để những sự việc như này không còn là thường lệ. Tội nghiệp đứa nhỏ phải sống với một người như vậy”, một bạn đọc khác chia sẻ trên Zing.vn.
Theo báo cáo tháng 2/2018 của Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, hơn 73% số phụ nữ nước ngoài làm dâu tại Hàn Quốc trong thời gian từ 2014-2016 là người Việt Nam. Khoảng 40.000 phụ nữ Việt Nam đang làm dâu tại Hàn Quốc.
Phụ nữ Việt Nam làm dâu tại Hàn Quốc chủ yếu ở các vùng nông thôn, nơi nhiều phụ nữ bản địa từ chối sinh sống bởi muốn tìm kiếm cơ hội thăng tiến tại các thành phố lớn.
Độ tuổi kết hôn trung bình của cô dâu Việt Nam là khoảng 25,2 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi trung bình 43,6 của các chú rể bản địa.
Khoảng 20% các cặp vợ chồng Việt - Hàn có kết cục ly hôn. Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới mâu thuẫn trong gia đình là bất đồng ngôn ngữ.
Vụ bạo hành gia đình làm rúng động mạng xã hội Hàn Quốc tuần qua xảy ra tại tỉnh Jeolla Nam, cũng là một vùng nông thôn ở miền Nam Hàn Quốc. Nguyên nhân của vụ đánh đập một lần nữa liên quan đến yếu tố người vợ không nói được tiếng Hàn lưu loát.
Gia đình một cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Vấn nạn nghiêm trọng của xã hội Hàn Quốc
Bài xã luận đăng trên Yonhap ngày 7/7 nhấn mạnh bạo hành gia đình đang là vấn nạn nghiêm trọng trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt những vụ liên quan đến cô dâu là người nhập cư. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc, 4/10 phụ nữ nhập cư kết hôn tại nước này là nạn nhân của bạo hành gia đình.
“Tiến bộ về kinh tế và xã hội dù giúp cải thiện phần nào nhận thức về nhân quyền, nhưng hành vi bạo hành phụ nữ và trẻ em vẫn ẩn nấp trong những góc khuất, sau vỏ bọc riêng tư của gia đình mà sự giám sát không thể soi tới”, bài viết cảnh báo.
Từng có nhiều vụ bạo hành cô dâu Việt tại Hàn với kết cục thương tâm. Năm 2010, dư luận Hàn Quốc từng rúng động với vụ án cô dâu nguyên quán Cần Thơ bị chồng sát hại chỉ 8 ngày sau khi đặt chân đến Busan.
Hung thủ nói mình được những tiếng nói trong đầu ra lệnh thủ ác. Không một ai trong gia đình nạn nhân hay người môi giới cuộc hôn nhân biết chú rể 47 tuổi có tiền sử bệnh tâm thần.
Chỉ 4 năm sau, thêm một cô dâu 27 tuổi người Việt bị chồng bóp cổ tử vong tại Gyeongsangbuk Do, cách Seoul 300 km. Hung thủ 47 tuổi sát hại vợ mình chỉ vì xích mích trong gia đình.
Nhiều trường hợp cô dâu ngoại quốc tại Hàn phải chịu đựng sự hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác, xúc phạm nhân phẩm, đánh đập lẫn tấn công tình dục ngay trong nhà mình.
Theo một báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2007-2017, có 19 trường hợp cô dâu ngoại quốc bị giết hại tại Hàn Quốc. Hung thủ đa phần chính là chồng của nạn nhân.
Vụ bạo hành tại Yeongam một lần nữa chỉ ra những bất cập còn tồn đọng trong chính sách hỗ trợ cô dâu ngoại quốc tại Hàn Quốc.
Chính quyền Hàn Quốc đã tiến hành nhiều nỗ lực để giảm nạn bạo hành gia đình đối với cô dâu ngoại quốc. Đường dây tư vấn và các cơ sở lánh nạn được thiết lập để hỗ trợ người nhập cư bị bạo hành hay yếu thế. Những chú rể có cô dâu ngoại quốc cũng được giáo dục tôn trọng đa dạng văn hóa, nhân quyền và ngăn chặn bạo hành gia đình.
Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ nhập cư tại Hàn Quốc không biết đến các kênh hỗ trợ này. Ngay cả khi họ được thông báo về những kênh đó, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài cũng không hề dễ dàng vì cô dâu ngoại quốc ngại tiết lộ những vấn đề riêng tư trong gia đình, theo Yonhap.
“Nhiều quan chức cấp cao Việt Nam khi đến thăm các chính quyền địa phương tại Hàn Quốc phải nhắc nhở ‘đừng làm đau những cô con gái của đất nước chúng tôi’. Một thực tế đáng xấu hổ và tồi tệ”, bài xã luận trên Yonhap nhấn mạnh.
“Cần phải chứng tỏ xã hội Hàn Quốc không chấp nhận hành vi bạo lực trong hôn nhân với phụ nữ nhập cư. Những vụ việc thương tâm tương tự không được phép tái diễn”, hãng thông tấn nước này nhấn mạnh.