Lễ trao giải Oscar lần thứ 94 ghi dấu chiến thắng huy hoàng của CODA tại hạng mục cao nhất dành cho Phim xuất sắc. Đây là kết quả không bất ngờ, nhưng khó thuyết phục toàn bộ khán giả khi trong suốt chặng đua tới tượng vàng năm nay, cái tên được đánh giá xứng đáng hơn lại là The Power of the Dog.
CODA bội thu giải thưởng
Tại Oscar năm nay, CODA là bộ phim giành nhiều tượng vàng thứ hai, chỉ sau Dune (6 giải). Tác phẩm của đạo diễn Sian Heder giành ba giải quan trọng gồm Nam diễn viên phụ xuất sắc, Kịch bản chuyển thể xuất sắc và Phim xuất sắc.
Trong bài phát biểu nhận giải, cả đạo diễn Sian Heder và nam diễn viên Troy Kotsur đều chia sẻ họ dành tặng chiến thắng này tới những người thương yêu và cộng đồng người khiếm thính. Troy Kotsur kể về người cha bị điếc của mình và một tai nạn đã khiến ông mất đi khả năng sử dụng thủ ngữ. "Con luôn yêu cha, người anh hùng của con", Kotsur nói. Về phía Heder, cô mô tả CODA là “lá thư tình gửi tới những người thân thương”.
Đạo diễn và dàn diễn viên phim CODA trên thảm đỏ sự kiện Oscar lần thứ 94. Ảnh: Getty Images. |
Tượng vàng Oscar cho phim xuất sắc của CODA giúp Apple TV+ trở thành dịch vụ xem video trực tuyến đầu tiên có tác phẩm nhận vinh dự này. Chiến thắng đã giúp nền tảng vượt trước một đối thủ khác, cũng ráo riết nhắm tới danh hiệu này trong nhiều năm qua là Netflix.
Năm nay, cuộc cạnh tranh giữa CODA và The Power of the Dog cũng có thể coi là đường đua giữa Netflix và Apple TV+ trong việc nâng cao tính hàn lâm của các tác phẩm mình phát hành. Và may mắn đã mỉm cười với CODA. Tại lễ trao giải năm nay, The Power of the Dog chỉ giành một giải duy nhất cho Đạo diễn xuất sắc.
Trên mạng xã hội, tin tức CODA thắng giải Phim xuất sắc tiếp tục làm dấy lên nhiều bình luận trái chiều dưới ô bình luận. Bên cạnh những lời ngợi khen sự ấm áp và giá trị tích cực bộ phim mang lại, không thiếu bình luận cho rằng một bộ phim với đề tài gai góc hơn như The Power of the Dog hay Drive My Car xứng đáng được giải. Phản ứng này nhìn chung không quá bất ngờ.
Về phía giới phê bình, trong một tuần trước lễ trao giải, cán cân đã nghiêng về phía CODA. Xu hướng này chứng minh tình hình thế giới rối ren đã khiến ngay cả giới phê bình với con mắt đánh giá khắt khe cũng đã trở nên mềm lòng trước những câu chuyện nhẹ nhàng, đề cao giá trị nhân văn.
Khi cuộc đua Oscar bắt đầu, The Power of the Dog là cái tên giành nhiều ưu ái từ giới phê bình, nhưng trong những tuần cuối, sau khi CODA thắng liên tiếp các giải của nhiều hiệp hội ngành nghề điện ảnh Mỹ, cán cân đã xoay chiều. Tượng vàng dành cho CODA vì thế là điều đã lường trước được, không gây bất ngờ cho giới phê bình lẫn người trong cuộc. Nó chỉ khiến khán giả chia phe tranh cãi, và sẽ còn bất đồng quan điểm trong thời gian dài.
Giá trị đến từ những điều giản dị
CODA là bộ phim remake từ tác phẩm nói tiếng Pháp La Famille Bélier (2014). Tại LHP Sundance, CODA đã có màn ra mắt thành công tới độ dịch vụ trực tuyến Apple TV+ đã chi tới 25 triệu USD để mua bản quyền phát sóng. Sở hữu cốt truyện không có yếu tố giật gân hay các vấn đề gai góc, CODA ăn điểm chính nhờ lối thể hiện giản dị và cách tiếp cận đi sâu vào những nhóm yếu thế trong xã hội.
Nhân vật chính của CODA là Ruby (Emilia Jones), thành viên duy nhất có thính lực bình thường trong một gia đình khiếm thính. Cô bé đang học năm cuối cấp ba và phát hiện mình có cả tài năng lẫn niềm đam mê bỏng cháy với ca hát. Ruby và gia đình bị giằng xé giữa nhiều lựa chọn tương lai. Đó có thể là cơ hội để cô bé theo đuổi đam mê, nhưng cũng có thể là nguy cơ xé tan gia đình nhỏ.
CODA được ngợi khen nhờ xây dựng rất sinh động cuộc sống của cộng đồng người khiếm thính. Ảnh: Apple TV+. |
Phim ghi điểm nhờ câu chuyện tuổi mới lớn của cô bé Ruby. Dù đảm nhận vai diễn khó, diễn xuất của Emilia Jones đã khắc họa được nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Jones vừa phải hát, vừa đóng những cảnh trò chuyện bình thường lẫn giao tiếp bằng thủ ngữ với nhóm diễn viên còn lại. Nhưng cô đã bồi đắp được đường dây cảm xúc xuyên suốt bộ phim. Sự liền mạch này giúp khán giả cảm thấy bị thuyết phục với các nhân vật và cả câu chuyện.
Khác với nguyên tác La Famille Bélier - sử dụng diễn viên có thính lực bình thường để vào vai người khiếm thính - ba trong số bốn diễn viên chính của CODA là những người thực sự gặp khuyết tật nghe, nói. Người duy nhất không bị khiếm thính trong CODA là nữ chính Emilia Jones.
Sự liều lĩnh của đạo diễn Heder đã nhận được đền đáp xứng đáng khi CODA nhận nhiều lời ngợi khen từ chính cộng đồng người khiếm thính về cách cô xây dựng đời sống của họ trên màn ảnh. Bộ phim cũng giúp Troy Kotsur được ghi danh vào lịch sử là nam diễn viên khiếm thính đầu tiên giành tượng vàng Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc.
Trong lịch sử Oscar, chỉ có hai diễn viên khiếm thính từng nhận được đề cử. Do đó, chiến thắng của bộ phim, dù ở bất cứ hạng mục nào, đều không thể nhìn nhận chỉ trong giới hạn hẹp của kỹ thuật làm phim, sự trau chuốt trong cách kể hay tính phản biện xã hội.
Nó là món quà, là sự công nhận tài năng cũng như chia sẻ những khó khăn của công chúng với một cộng đồng phải đối mặt nhiều thiệt thòi nhưng bền bỉ nỗ lực vươn lên.