Yêu cầu xử nghiêm tình trạng bảo kê tội phạm
"Có những con số, những thông tin gây lo lắng và băn khoăn. Chẳng hạn tội phạm có dấu hiệu bảo kê của chính quyền cơ sở; tội phạm về tham nhũng tăng đến 27%".
Bà Hà Thị Liên, phó chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chiều 29/7.
Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Tại hội nghị, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an cho biết 6 tháng đầu năm 2013, tình hình các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, một số nơi có biểu hiện tội phạm hoạt động lộng hành.
Cụ thể, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội phát hiện gần 28.500 vụ, tăng 6,05% so với năm 2012, trong đó cướp giật tài sản tăng gần 8%, cưỡng đoạt tài sản tăng trên 26%, cố ý gây thương tích tăng gần 10%.
Tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội chưa kiềm chế được, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Các vụ án chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát, nhất thời (chiếm 65%), nhiều vụ dã man, tàn bạo mất nhân tính.
Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong đấu tranh trấn áp tội phạm 6 tháng đầu năm, Bộ Công an cho rằng có nguyên nhân do ý thức trách nhiệm của một số ít lãnh đạo và bộ phận cán bộ chiến sĩ công an chưa cao, có dấu hiệu tiêu cực, né tránh, làm ngơ trước phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương. Một số nơi hoạt động của các băng nhóm tội phạm có dấu hiệu “bảo kê” của cán bộ chính quyền cơ sở. |
Đáng chú ý, các vụ giết người do nguyên nhân xã hội chiếm gần 94%. Trong đó, số vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau chiếm trên 10%, đối tượng gây án chủ yếu phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn phổ biến. Đã phát hiện trên 6.000 vụ vi phạm, tăng gần 56% so với năm 2012.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gây thiệt hại lớn về tài sản. Đã phát hiện gần 7.000 vụ gây thiệt hại trên 61.000 tỉ đồng, thu hồi cho Nhà nước trên 16.000 tỉ đồng.
Các vụ phạm tội này tập trung trong lĩnh vực hành chính công, quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và nhất là ở những công ty, tập đoàn kinh tế lớn.
Hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán, vận chuyển hàng cấm và gian lận thương mại diễn ra cả trên đường bộ, đường hàng không và đường biển. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là khoáng sản, xăng dầu, thuốc lá, hàng điện tử, hàng cấm.
Bà Hà Thị Liên bày tỏ: “Có những con số, những thông tin gây lo lắng và băn khoăn, chẳng hạn tội phạm có dấu hiệu bảo kê của chính quyền cơ sở; tội phạm về tham nhũng tăng đến 27%. Những điều này gây mất niềm tin trong nhân dân rất lớn, phải điều tra ngay. Nếu phát hiện cán bộ bảo kê cho tội phạm phải đưa ngay những cá nhân này ra khỏi bộ máy công quyền để củng cố niềm tin của xã hội”.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thời gian tới, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm tình trạng bảo kê tội phạm tại địa bàn phường, xã, tỉnh. Chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc các địa phương còn tội phạm lộng hành, các băng nhóm bảo kê xã hội đen.
Người dân có thể còn có những khó khăn về vật chất nhưng họ có quyền được hưởng một cuộc sống bình an. Đó là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ngành công an. Nơi nào để tội phạm hoạt động phức tạp, kéo dài, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và công an phải chịu trách nhiệm”.
Theo Tuổi trẻ