Bình luận về việc tàu của Trung Quốc lại xuất hiện với số lượng lớn ở gần Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
"Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp và chính đáng đó", bà Hằng nói.
"Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và hiến chương của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông", bà Hằng cho biết thêm.
Trước đó, chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 22/10 công bố bài viết và hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng tàu đã tăng dần ở Cụm Sinh Tồn (nơi có Đá Ba Đầu) trong ba tháng qua.
Theo AMTI, đầu tháng 8, ảnh vệ tinh cho thấy trung bình có 40 tàu ở nửa phía bắc Cụm Sinh Tồn. Tới tháng 9, ảnh vệ tinh thấy cho thấy có hơn 100 tàu. Con số này là hơn 150 tàu trong một ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10.
Ảnh vệ tinh ngày 8/8 cho thấy chỉ vài tàu xuất hiện, nhưng hơn 150 tàu có thể được nhìn thấy tại Cụm Sinh Tồn trong ảnh vệ tinh ngày 17/10, theo AMTI. Ảnh: AMTI. |
AMTI nhận định đa số tàu nói trên là tàu cá Trung Quốc với độ dài dễ nhận biết từ 50 m trở lên. So với lần tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại Đá Ba Đầu hồi tháng 3, những tàu lần này phân tán đều hơn ở khắp nửa phía bắc của Cụm Sinh Tồn, và tương đối ít tàu xuất hiện ở Đá Ba Đầu.
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước đó, hôm 20/3, một cơ quan chính phủ của Philippines - đơn vị phụ trách giám sát Biển Đông - cho biết họ phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại rạn san hô Đá Ba Đầu vào ngày 7/3. Sau khi bị phản ứng, các tàu Trung Quốc đã giải tán khỏi đây.
Nhưng theo AMTI, ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc bắt đầu tụ tập tại Đá Khúc Giác vào tháng 4, ngay sau khi giải tán khỏi Đá Ba Đầu. Đá Khúc Giác là một rạn san hô nằm trong Cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp gần đây, AMTI nhận định số lượng tàu ở Đá Khúc Giác có giảm bớt nhưng nhiều tàu rời đi nhiều khả năng đã quay lại Cụm Sinh Tồn.
Theo AMTI, đây là chứng cứ cho “trò chơi đánh tráo” của dân quân Trung Quốc. Khi bị phản ứng, họ sẽ phân tán tới các rạn san hô gần đó trong một thời gian. Nhưng số lượng tổng thể tàu Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa vẫn không đổi.