Trả lời câu hỏi của Zing.vn về quá trình điều tra vụ anh Nguyễn Quốc Phi bị cảnh sát Đài Loan bắn chết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng sở tại, yêu cầu khẩn trương điều tra để làm rõ vụ việc.
"Gia đình công dân Nguyễn Quốc Phi đã đến Đài Loan và Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Đài Loan để hỗ trợ gia đình nạn nhân lo hậu sự cho anh Nguyễn Quốc Phi", người phát ngôn cho biết chiều 7/9.
Bà Hằng cho hay Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cơ quan sở tại trong quá trình điều tra và xử lý vụ việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Nguyễn Quốc Phi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng . Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trước đó, báo chí Đài Loan đưa tin anh Nguyễn Quốc Phi, 27 tuổi, lao động nhập cư người Việt, bị cảnh sát Đài Loan bắn 9 phát súng, 6 phát trúng người, và thiệt mạng ở thành phố Tân Trúc ngày 31/8.
Theo thông báo của Sở cảnh sát Đài Loan (NPA), anh Phi bị cáo buộc tấn công người thi hành công vụ khi bị bắt quả tang phá hoại và lấy trộm ôtô. Cảnh sát đã dùng hơi cay để ngăn Phi nhưng lao động này vẫn chống trả quyết liệt. Sau đó, Phi đã chạy đến một hồ nước để rửa mặt rồi nhặt đá ném lại các nhân viên công vụ Đài Loan.
Phi còn được cho là đã đánh gãy mũi, bầm mặt một nhân viên cảnh sát họ Lee. Cũng theo NPA, Phi còn cố lao vào xe tuần tra cảnh sát để tẩu thoát. Một cảnh sát họ Chen buộc phải nổ súng ngăn chặn. Phi sau đó được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch nhưng đã không qua khỏi.
Vụ việc gây nên làn sóng tức giận không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam ở Đài Loan mà còn cả những người dân bản địa. Họ nghi ngờ về động cơ nổ súng của cảnh sát và tình huống dẫn tới quyết định đó.
Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) cho biết ngày 4/9, người biểu tình Việt Nam mang theo băng rôn, biểu ngữ và tụ tập trước trụ sở NPA để đòi công lý cho Nguyễn Quốc Phi. Họ hô khẩu hiệu và cầm các tấm biển với dòng chữ "Cảnh sát bạo lực" hay "Điều tra việc sử dụng vũ lực quá mức".