Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Yêu cầu EVN cung cấp đủ điện, giá bán thì dân phải chịu đựng được’

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, nhưng phải có giá cả hợp lý, doanh nghiệp và người dân chịu đựng được.

Sáng 3/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự thành công bức tranh kinh tế của năm qua có sự đóng góp quan trọng của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, trong đó có EVN. EVN đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt, đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông cũng giao nhiệm vụ cho EVN trong thời gian tới phải cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Phó thủ tướng thừa nhận đây là áp lực rất lớn đối với EVN, đòi hỏi lãnh đạo tập đoàn này phải rất chủ động và tích cực.

tong ket nam 2018 cua evn anh 1
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VGP.

Theo Phó thủ tướng, nhu cầu điện đang tăng rất nhanh. Hiện tại nhu cầu điện, tương ứng với công suất lắp đặt là 48.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ 10%/năm, đến năm 2025, đất nước cần 90.000 MW, và đến năm 2030 cần 130.000 MW.

“Đây là tốc độ tăng trưởng theo tính toán, thực tế có thể cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh như hiện nay. Trong khi thu nhập bình quân mới chỉ đạt khoảng 2.500 USD/người, độ mở còn rất lớn”, ông nói.

Nhu cầu là vậy, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng áp lực rất lớn cho EVN khi chọn các nguồn phát khác nhau. Hiện tại, nguồn thủy điện gần như không còn nhiều, dự báo đến năm 2030 chỉ chiếm 13-16%. Dự án điện hạt nhân đã bị dừng. Do đó, 2 nguồn chủ yếu được trông chờ là nhiệt điện và năng lượng tái tạo.

Với nhiệt điện thì có 2 nguồn là nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Nhiệt điện than đang khó khăn liên quan đến môi trường và sự đồng thuận của người dân. Trong khi đó nhiệt điện khí có giá rất cao, trung bình mỗi dự án đều lên tới trên 1 tỷ USD. Các dự án cũng chậm tiến độ, khó khăn về đảm bảo nguồn cung cấp khí.

Với năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) thì gặp khó khăn tương tự khi giá rất cao. Trong khi đó, hệ thống truyền tải điện từ nhà máy lên hệ thống điện quốc gia cũng có nhiều bất cập, khó đấu nối.

Trong bối cảnh đó, hiện tại còn có khó khăn về việc mất cân đối giữa nguồn cung và tiêu thụ tại các vùng miền trên cả nước. Nam Bộ và TP.HCM sử dụng 50% nhu cầu điện của cả nước, trong khi miền Bắc và miền Trung chiếm 60% lượng phát. Hệ thống truyền tải hiện nay đã quá tải. Trong ngắn hạn, hồ thủy điện thiếu nước.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong ngắn hạn, nền kinh tế vẫn phải trông chờ vào các dự án nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than. Ông nhấn mạnh điện than chưa nhận được sự đồng thuận của người dân và khâu tuyên truyền chưa tốt.

tong ket nam 2018 cua evn anh 2

“Cần phải nói đúng về điện than. Không phải cứ nhiệt điện than là ô nhiễm. Nhiệt điện than phải có công nghệ tốt để giảm thiểu ô nhiễm. Nhiều nước trên thế giới vẫn dùng điện than. Đây là nguồn nguyên liệu rẻ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”, ông nói.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Ông yêu cầu các nhà khoa học phải lên tiếng, cung cấp thông tin để tạo sự đồng thuận với điện than. Ngoài ra kiên quyết đưa ra khỏi ngành điện những sản phẩm điện than ô nhiễm môi trường,

Phó thủ tướng yêu cầu cần điều chỉnh từng bước để có môi trường tốt. Nhiệt điện than giá thành thấp, giá bán điện thấp trong khi nếu chỉ có điện khí, điện tái tạo thì giá rất cao, chung quy lại người dân chịu.

‘Tôi yêu cầu EVN đảm bảo đủ điện, giá cả hợp lý. Doanh nghiệp chịu đựng được, người dân chịu đựng được. Phải có cơ cấu nguồn điện cho hợp lý. Điện than, khí, thủy điện, năng lượng tái tạo như thế nào trong điều kiện thu nhập người Việt Nam còn thấp. Nếu tăng giá điện cao người dân không chịu đựng được nữa”, ông nói.

Cuối cùng, Phó thủ tướng yêu cầu cả ngành điện phải bứt phá trong năm 2019. Trong đó, EVN phải đóng vai trò nòng cốt. Cần sớm đưa các dự án chậm vào hoạt động và khởi công các dự án mới.

Áp lực thiếu điện, tân tổng giám đốc EVN nói gì sau khi nhậm chức?

Tân Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân nói rằng áp lực đảm bảo cung cấp đủ điện năng của EVN trong thời gian sắp tới là rất khó khăn.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm