Chiều 29/4, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu kiểm tra, báo cáo thông tin liên quan đến các vụ việc về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Tại văn bản, đơn vị cho biết theo phóng sự phản ánh của báo chí ngày 28/4, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn diễn ra rất phức tạp. Một số đối tượng ngang nhiên khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ nguồn gốc, đe dọa, hành hung người cung cấp thông tin.
Trước thông tin được phản ánh, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng theo đúng pháp luật.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh cần tổ chức, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật được báo chí phản ánh, xử lý nghiêm đối tượng phá rừng. Trong số đó bao gồm những hành vi tiếp tay, buông lỏng quản lý của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Gần đây, báo chí thường xuyên phản ánh tình trạng khai thác gỗ, rừng trái phép tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. |
Đơn vị chức năng phải tổ chức rà soát, kiểm tra, truy quét các tụ điểm phá rừng, tàng trữ, thu gom, chế biến gỗ, lâm sản nguồn gốc bất hợp pháp trên địa bàn và chấn chỉnh các hoạt động bảo vệ rừng đối với các ngành, các cấp.
Tỉnh Kon Tum cần đảm bảo không để tái phạm các hành vi trái pháp luật, đồng thời phải triệt phá các đường dây khai thác, vận chuyển, buôn bán, sản xuất kinh doanh trái pháp luật để lập lại kỷ cương trong quản lý bảo vệ rừng.
Bộ Nông nghiệp cũng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp lập ngay đoàn công tác phối hợp, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay.
Kết quả chỉ đạo và báo cáo về tình hình thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh cần phải báo cáo về Bộ Nông nghiệp trước ngày 15/5.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đầu tháng 4, tình trạng này cũng xảy ra tại một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk.
Theo phản ánh của người dân, lâm tặc đi từng đoàn tới vài chục người, đưa xe máy cày vào chở gỗ ra. Sau khi khai thác trong rừng, gỗ sẽ được tập kết bên đường đi của người dân, ở khu vực rẫy canh tác và vận chuyển ra ngoài.