Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu thanh tra Bộ, Ủy ban Chứng khoán, Vụ Tài chính ngân hàng, các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành trái phiếu dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và tiến hành thanh tra.
"Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp phát hành", Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
"Đặc biệt cần chú trọng việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp", lãnh đạo Bộ lưu ý.
Cơ quan quản lý đang đề xuất một loạt chính sách liên quan hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Với Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước ngày 31/7.
Cuối tháng 4 trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Sau khi có chỉ thị này, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm mạnh trong tháng 4 và tăng trở lại trong tháng 5, 6.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 257.857 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương 44.757 tỷ). Qua theo dõi, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp Bộ Tài chính cho biết đã xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang có sự phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần nhất. Đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.
Sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu đã phát sinh những hệ lụy đáng tiếc, một số vụ xử phạt hành chính và cả hình sự đã được nêu tên.
Mới nhất, toàn bộ 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của nhóm công ty liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bị hủy bỏ do công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với VsetGroup, Apec Group do không nộp hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu, đồng thời buộc thu hồi trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư.