Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yến chao liệng trên... Tây Nguyên

Tây Nguyên cũng có thể nuôi được yến. Lạ nhưng không lạ, khi loài chim này còn mở ra cơ hội tỷ phú cho những chủ nhân của chúng.

Hàng nghìn đôi chim yến chao cánh bay trên trời xanh, đáp xuống ngôi nhà cao tầng ở một thung lũng tại Gia Lai. Ánh mặt trời khuất sau dãy núi Jú (TX. Ayun Pa) nơi chúng trú ngụ, chúng tôi mới tin rằng, Tây Nguyên cũng có thể nuôi được yến.

Yến từ thung lũng... bay ra

Nhắc đến loài chim này, hẳn ai cũng nghĩ yến vốn sống ở đảo xa, trên các vách đá cheo leo. Thế nhưng, tận mắt chứng kiến hàng ngàn con chim yến chao liệng trên bầu trời, rồi đột ngột sà vào trú ngụ trong một căn tầng cao nhất ngôi nhà của ông Toàn - bà Lan (P. Đoàn Kết, TX. Ayun Pa), chúng tôi đã tin Tây Nguyên đã và đang nuôi được yến.

Anh bạn đi cùng nói, dẫu chúng sinh sống ở độ cao 500 m so với mặt nước biển. Nhưng ở vùng cao nguyên này, chúng cũng có thể tồn tại, sinh sống. Những năm 2010 trở về trước, Tây Nguyên chưa một ai nuôi yến, mô hình của ông Toàn chính là cơ sở đầu tiên tại đây. Nói chuyện, ông Toàn kể, cơ duyên chợt đến trong một lần tình cờ ghé TP HCM tham quan nhà nuôi yến của một người bạn.

"Yến là loài chim đã nghe thân thuộc, thấy cách nuôi chúng hay hay. Tôi trộm nghĩ, hay là mình cũng thử nuôi xem sao, biết đâu Gia Lai nuôi được thì càng hay. Thấy bạn động viên rồi mua giúp máy móc, thiết bị phát âm thanh gọi dò chim yến... thế là mình thử", ông Toàn nhớ lại.

Ban đầu, dù dò tìm khắp thung lũng núi Jú - nơi ông sinh sống tại TX. Ayun Pa - thấy kết quả không khả quan, ông đã nghĩ đến một dự cảm không lành. Bất chợt, trong một buổi chiều muộn, ông nhảy cẫng khi thấy 6 con chim yến nghiêng cánh chao liệng như đón chào. Bắt được "tín hiệu", thấy mảnh đất trống trong vườn còn trống, ông Toàn vay mượn bạn bè rồi "vét" sạch đồng tiền dành dụm bấy lâu, xây nhà dụ chim yến. 

Mô hình nuôi yến ở Gia Lai.

Căn nhà hai tầng cao 14 m, dài 20 m và rộng 5 m được dựng kiên cố, vững chãi. Trên vách tường có đục các lỗ đủ để cùng lúc 2 con có thể bay vào, đặc biệt lỗ không quá rộng để ngăn chim cú - loài mà yến rất sợ - chui vào. Mấy tháng đầu chỉ mới có được vài cặp yến về cư ngụ. Ông Toàn không nản lòng mà nghĩ, một con ở được tất bầy đàn sẽ trú ngụ. Quả thật, chỉ hai năm sau, đã có hơn 500 cặp chim yến về "định cư" trong căn nhà mà ông Toàn làm cho chúng. Thậm chí, rất nhiều lứa yến non đã được sinh sôi nảy nở tại đây.

Đàn chim yến hội tụ ngày càng đông, căn nhà đã chật. Sẵn thỏa đam mê và nhằm thu vốn, lấy lời, ông dốc túi mua một căn nhà hai tầng. Căn này cách căn cũ khoảng 1km, phía trên tầng thượng ông làm nhà cho chúng. Tầng dưới tận dụng làm chỗ sinh hoạt gia đình. Đến nay, sau 5 năm, cả 2 nhà nuôi chim yến của ông đã có đến gần 1.000 cặp chim yến trú ngụ, làm tổ.

Ông Toàn nói, nuôi yến không phải dễ, nếu không đáp ứng yêu cầu về chỗ ở, chúng sẽ đi mất. Biết rõ đặc thù loài này thích cao ráo, sạch sẽ và thoáng đãng, ông xây đúng nhu cầu của chúng, đồng thời tính phương án độ cao. Chưa hết, ông còn dày công đầu tư khi đặt mua các thiết bị phát âm thanh từ nước ngoài về lắp ráp chào mời chúng. Ngoài ra, đặt thêm hệ thống dẫn nước phun sương giữ độ ẩm cho chim, đến nay, mỗi căn có thể chứa được 4.000 cặp yến. Cơ sở nuôi chim của ông Toàn chính là khơi nguồn cho việc nuôi thành công loài này trên Tây Nguyên. 

Tỷ phú nhờ... yến

Trò chuyện miên man, ông Toàn nói tính chim yến rất "hay", thậm chí hay hơn cả con người. Chúng sống rất thủy chung, dù đi theo theo bầy nhưng luôn có đôi, có cặp riêng biệt. Tối đến, đôi nào về đôi nấy, không bao giờ lang chạ với nhau. Trong hàng ngàn chim yến bay rợp nhưng các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác. Một khi chúng chọn "nhà" để làm tổ thì hầu như định cư gần như suốt đời ở đó. Chúng là loài siêng năng, khi bình minh ló dạng thì yến bay đi tìm mồi. Lúc mặt trời khuất dần thì chúng lại tìm về tổ. Bán kính kiếm ăn thường trên trên dưới 100 km, đủ để thấy loài này khỏe đến mức nào. 

Nói đến nuôi yến, ông Toàn cười hiền khi nhắc đến thức ăn. Chúng hầu như ăn các sinh vật phù du trên trời, dưới mặt nước vì vậy nuôi chúng không phải tiêu tốn thức ăn như các loài khác. Vấn đề sinh sản, ông Toàn cho biết, cứ sau 4 tháng thì yến đẻ một lứa 2 trứng rồi thay nhau ấp nở. Khoảng chừng 10-12 tháng tuổi, yến con sẽ trưởng thành và tự chọn cho mình một bạn tình để chung sống. 

Mô hình nhà yến của ông Toàn đã cho thu hoạch. Mỗi lạng chừng 10-12 tổ yến được xuất bán giá hơn 2,5 triệu đồng. Nếu biết cách nuôi, yến sẽ đem lại kinh tế rất cao. Thấy mô hình của ông thành công, tiếng tăm lan xa, rất nhiều người ở các huyện, tỉnh thành lân cận khu vực Tây Nguyên tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông nói, ông có được ngày hôm nay cũng nhờ bạn sẻ chia kinh nghiệm, có được hôm nay, ông cũng sẵn sàng san sẻ kinh nghiệm cho bất kỳ ai nếu thật tâm với yến. 

Từ mô hình đầu tiên của ông, đến nay, Gia Lai đã có nhiều nhà thành công với việc nuôi yến. Nghề lấy tổ yến đang mở ra cơ hội tỷ phú cho nhiều người có chung niềm đam mê nuôi chúng. Họ cho biết, tổ yến là thứ thức ăn bổ dưỡng mà loài người phát hiện ra khá sớm, đến nay, lượng cung còn quá bé so với nhu cầu. Vì thế nghề này không lo đầu ra. 
Chia tay ông Toàn, ngắm nhìn đàn yến chao nghiêng trên trời xanh mới thấy xuân đã cận kề, rộn ràng.

http://laodong.com.vn/kinh-te/yen-chao-lieng-tren-tay-nguyen-516812.bld

Theo Anh Đức/Lao Động

Bạn có thể quan tâm