Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yeah1 có thành thật với nhà đầu tư về vụ YouTube?

Minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình sẽ là một yếu tố quyết định trong kiểm soát rủi ro đối tác kiểu sự cố YouTube. Thế nhưng Yeah1 lại cung cấp thông tin bất nhất.

Cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đang là tâm điểm của thị trường chứng khoán khi có những biến động rất mạnh chỉ trong thời gian ngắn vừa qua.

Tuy nhiên, biến động của YEG lại là 13 phiên giảm sàn liên tiếp cùng hàng nghìn tỷ vốn hóa “bốc hơi”. Biến động này chỉ đến từ một tin của YouTube, nền tảng được giới thiệu là “trụ đỡ” chính cho sự tăng trưởng vượt bậc của Yeah1 những năm gần đây.

Minh bạch đến đâu?

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia tại Việt Nam, việc Yeah1 bị YouTube chấm dứt hợp đồng MCN gây ra khủng hoảng lớn như vậy cho thấy Yeah1 phụ thuộc nhiều hơn vào YouTube so với những gì tập đoàn này tuyên bố.

Ông Long nhấn mạnh, để đối phó với rủi ro, ở thượng tầng, cấu trúc và cơ chế quản trị công ty phải vững mạnh. Trong đó minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình sẽ là một yếu tố quyết định trong kiểm soát rủi ro đối tác. Và điều này có vẻ không tìm thấy trong trường hợp Yeah1, khi nhiều thông tin bất nhất được đưa ra.

yeah1 gap su co voi youtube anh 1

Trong báo cáo tài chính trước khi có sự cố, Yeah1 cho biết mảng kinh doanh kỹ thuật số trên YouTube và xuất bản nội dung số chiếm tới 55,6% doanh thu và 88,6% lợi nhuận của doanh nghiệp. Yeah1 dự báo mảng doanh thu này sẽ đóng góp tới 80% doanh thu năm 2019.

Doanh nghiệp cũng nhiều lần công bố kết quả định giá rất cao trong đó truyền thông rất nhiều về nguồn thu từ Google và YouTube với những con số rất đẹp về số kênh và lượng views lên hàng tỷ từ YouTube mà che đi bản chất thực của mô hình MCN.

Minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình sẽ là một yếu tố quyết định trong kiểm soát rủi ro đối tác.

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc CMA Australia Việt Nam

Thế nhưng, khi có sự cố bị YouTube chấm dứt thỏa thuận, trong thông cáo, Yeah1 phân trần họ "chỉ quản lý hỗ trợ các kênh, và làm thủ tục thanh toán". Và cũng theo doanh nghiệp, YouTube Adsense chỉ đóng góp 13% lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.

"Những thông tin mang tính biện minh dạng: chẳng ảnh hưởng gì mấy đâu không giúp thị trường, cổ đông và cả bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán thấu hiểu", ông Long nói.

Vai trò của YouTube trong chiến lược phát triển của Yeah1 bị thông tin một cách mâu thuẫn trước và sau sự cố dừng hợp tác lưu trữ. Vào tháng 1/2019, khi vừa mua ScaleLab, công ty hoạt động trên nền tàng YouTube, Yeah1 công bố YouTube là mảng chiến lược. Nay gặp sự cố, Yeah1 nói đây là mảng không chú trọng, còn những mảng khác đang hoạt động theo kế hoạch, và Yeah1 tìm phương án thay thế.

Cách Yeah1 ghi nhận doanh thu từ YouTube thế nào cũng là một dấu hỏi. Ông Long phân tích bản chất Yeah1 là đại lý hỗ trợ các nhà cung cấp nội dung trên YouTube, và được nền tảng này chia hoa hồng từ doanh thu quảng cáo mà các nhà cung cấp nội dung nhận được.

Tuy nhiên, với thông tin trong báo cáo giải trình của tập đoàn này, doanh thu của Yeah1 được hiểu họ đã ghi nhận tổng doanh thu (Gross) mà YouTube phân bổ cho toàn bộ các nhà cung cấp nội dung, thay vì chỉ ghi nhận phần doanh thu mà Yeah1 nhận được (Net).

Những thông tin mang tính biện minh dạng: chẳng ảnh hưởng gì mấy đâu không giúp thị trường, cổ đông và cả bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán thấu hiểu.

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc CMA Australia Việt Nam

“Nếu ghi doanh thu theo kiểu Gross này thì doanh thu của Yeah1 trông sẽ rất khủng”, ông Long chia sẻ.

Trên thực tế, Yeah1 được cấp giấy phép MCN của YouTube từ năm 2015 và thành lập hệ thống Yeah1 Network từ năm 2017. Từ đó, báo cáo kết quả kinh doanh của Yeah1 ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc. Từ mức doanh thu 574 tỷ đồng và vỏn vẹn 16 tỷ tiền lãi ròng năm 2016, sau khi Yeah1 Network đi vào hoạt động chính thức từ năm 2017, chỉ số doanh thu đã tăng 852 tỷ đồng và lãi ròng đạt 82 tỷ đồng.

Năm 2018, bằng việc mở rộng mạng đa kênh, công ty thu về tới 1.658 tỷ doanh thu và 180 tỷ lãi ròng sau thuế (BCTC công ty tự lập), chỉ số gấp đôi so với năm trước đó.

Vị chuyên gia cũng cho biết trên thế giới từng có công ty ghi nhận doanh thu gross theo dạng này và rất nổi tiếng là Enron, tập đoàn xây dựng các đường ống dẫn khí từ nhà sản xuất và bán đến hàng tiêu dùng, doanh nghiệp đã phá sản năm 2001.

“Enron có những thoả thuận đại lý với các nhà sản xuất và tập đoàn này đã ghi nhận cả doanh thu gross bán khí gas đến người tiêu dùng. Điều này khiến Enron lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới Global Fortune 500, trước khi gây ra vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ vào thời điểm 2001.

Bởi lẽ, với cách ghi doanh thu như thế, Enron trông như một gã khổng lồ, họ muốn làm gì cũng được trên thị trường tài chính”, ông Long chia sẻ.

Trước đó, cổ đông lớn của Yeah1 cũng từng không minh bạch khi nói về yếu tố độc quyền của Yeah1 trong mảng truyền thông số với công ty con Netlink. Theo đó, Netlink là đơn vị duy nhất tại Đông Nam Á, đồng thời là 1 trong 5 đơn vị toàn cầu nhận được Giấy phép đối tác xuất bản trên tất cả các nền tảng của Google.

Tuy nhiên, theo dữ liệu Zing.vn kiểm tra từ Google, Netlink (công ty con của Yeah1) là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất là đối tác của tập đoàn toàn cầu này, chứ không không phải là đơn vị duy nhất trên thị trường cung cấp nền tảng AdSense và Ad Networks tại Việt Nam cũng như là Đông Nam Á.

Riêng tại thị trường Việt Nam, Google còn có 2 đối tác khác là Geniee và Yieldbird. Trong khi đó, tại thị trường Đông Nam Á, tập đoàn Mỹ có tới 9 đối tác là ADOP, Cybermedia, Dq&a, Ezoic, Geniee, Netlink, Publift, Yieldbird và Yourbow. Trong đó chỉ Yieldbird có giấy phép hoạt động ở mọi thị trường Đông Nam Á.

yeah1 gap su co voi youtube anh 2

Rủi ro khi dựa vào YouTube

Rủi ro về mô hình kinh doanh phụ thuộc vào các nền tảng có sẵn đã được Yeah1 dự báo trước.

Trong bản cáo bạch gửi tới các nhà đầu tư trước ngày niêm yết, Yeah1 đã nhấn mạnh rủi ro vận hành của mình là phụ thuộc quá lớn vào 2 nền tảng kỹ thuật số là Facebook và Google (công ty mẹ sở hữu YouTube).

Theo Yeah1, việc là đối tác của 2 nền tảng kỹ thuật số phổ biến nhất hiện nay là Facebook và Google hỗ trợ rất lớn cho công ty phát triển nhanh chóng ra các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào 2 nền tảng này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của công ty khi chính sách của các công ty lớn này có sự thay đổi trọng yếu.

Sau chưa đầy 9 tháng, rủi ro đó đã trở thành sự thật khiến Yeah1 bị cuốn vào hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp.

Không nắm được khâu quan trọng nhất của chuỗi giá trị và lại không chú trọng kiểm soát rủi ro đối tác thì đừng nói chuyện mô hình số và quy mô toàn cầu. Thiếu đổi mới và công nghệ mà tham vọng trở thành kỳ lân, là khó.

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc CMA Australia Việt Nam

Theo phân tích từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, mảng kinh doanh YouTube của Yeah1 là hoạt động dựa vào quảng cáo trên nền tảng này. Trong đó, gồm 3 nguồn thu. Thứ nhất là doanh thu từ phát các nội dung quảng cáo được nhận từ YouTube trên kênh của các đối tác. Hai là doanh thu từ phát các nội dung quảng cáo được nhận từ YouTube trên kênh của Yeah1 sở hữu. Cuối cùng là doanh thu quảng cáo trên kênh của Yeah1 từ các hợp đồng trực tiếp với các nhãn hàng.

Năm 2018, mảng này đóng góp 28% doanh thu và 51% lợi nhuận sau thuế cho Yeah1.

Với việc không còn giấy phép MCN, đồng nghĩa Yeah1 sẽ không thể chia sẻ doanh thu quảng cáo từ kênh YouTube của đối tác. 

Thực tế, các MCN kiểu Yeah1 đều phải mở rộng tới một mức đủ lớn mới có thể kiếm tiền. Sau khi đã đạt quy mô, họ kiếm tiền nhưng cách duy nhất vẫn là từ quảng cáo. Trong mô hình này, nhãn hàng sẽ trả tiền quảng cáo trực tiếp cho YouTube, sau đó YouTube chia doanh thu cho network, rồi network mới chia phần doanh thu cho người làm nội dung. Như vậy, nền tảng video vẫn thu được nguồn lợi lớn nhất mặc dù không phải bỏ ra nhiều tài nguyên để quản lý. Đồng thời, với vai trò là chủ nền tảng, YouTube có nhiều sự quyết định hơn. Lợi nhuận của network, do đó, thực sự không ấn tượng như số lượng kênh mà họ sở hữu.

Trong khi đó, như Yeah1 thông tin trong báo cáo sau sự cố, họ không sở hữu các nội dung trong network. Điều này đồng nghĩa với việc họ không có quyền phân phối nội dung trên các nền tảng khác để tăng doanh thu.

Theo ông Phan Lê Thành Long, xét góc độ chiến lược, việc lõi hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào một đối tác thì rủi ro đối tác đó cần phải được kiểm soát rất chặt chẽ. Outsourcing hay xu hướng có những đối tác quan trọng thực ra là xu thế toàn cầu. Thế nhưng, bất kỳ hãng nào cũng phải nắm được khâu quan trọng nhất trong chuỗi giá trị. Nhìn Apple thì thấy, họ nắm khâu quan trọng nhất là thiết kế và xây dựng thương hiệu. IPhone có thể made in China nhưng design by Apple. 

"Một hãng mà không nắm được khâu quan trọng nhất của chuỗi giá trị và lại không chú trọng kiểm soát rủi ro đối tác thì đừng nói chuyện mô hình số và quy mô toàn cầu. Thiếu đổi mới và công nghệ mà tham vọng trở thành kỳ lân, là khó", ông nói.

Trở về giá trị thật?

Ông Hà Uyên Việt, chuyên phân tích của một quỹ đầu tư tại Hà Nội, cho rằng sự việc với YouTube làm giảm giá trị của cổ phiếu YEG trong liên tiếp nhiều phiên mở ra sự thiếu ổn định trong hoạt động của tập đoàn này. 

Năm 2015, Yeah1 từng kêu gọi vốn với 3 trụ cột kinh doanh: truyền thông (phim ảnh, quảng cáo, MCN), cổng thanh toán điện tử (WebMoney - có nguồn gốc từ Nga), và thương mại dịch vụ (phát triển mảng bất động sản cho giới trẻ).

Theo đó, Yeah1 kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 41 triệu USD8 triệu USD lợi nhuận sau thuế vào năm 2017. Trong đó, mảng thanh toán điện tử chiếm 70%.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cùng năm của Yeah1 đã thất bại cả 2 tiêu chí, doanh thu chỉ đạt khoảng 37,5 triệu USD, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 1/3 chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, nhân tố chủ lực mang lại nguồn thu, không phải từ WebMoney mà từ quảng cáo trực tuyến.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng việc YEG có thể phục hồi lại được mức giá như khi IPO gần như bằng 0.

“Bản thân lúc chào sàn, định giá của YEG đã quá cao nên việc phục hồi lại theo tôi gần như là điều không thể”, ông Việt nhấn mạnh. 

Trong khi P/E trung vị của doanh nghiệp truyền thông Thái Lan là 18,7 và mức trung bình của doanh nghiệp cùng ngành ở Malaysia là 17,66 thì Yeah1 chào sàn tự định giá với hệ số gấp 4-5 lần.

yeah1 gap su co voi youtube anh 3

Ông Nguyễn Tiến Huy cho rằng sau sự việc lần này chắc chắn sẽ có bài học xương máu rút ra với ban lãnh đạo Yeah1 và hơn cả bài học về quản trị doanh nghiệp chính là trách nhiệm với nhà đầu tư, xã hội.

“Bài học quan trọng ở đây không chỉ là trách nhiệm quản lý các kênh nội dung số của MCN như Yeah1 cam kết với YouTube, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng mạng nói chung. Để đảm bảo cho một không gian mạng an toàn, đặc biệt là cho trẻ em”, ông Huy nhấn mạnh.

Bê bối Yeah1, YouTube có vô can?

Hưởng lợi từ chính sự giám sát lỏng lẻo để phát triển người dùng, YouTube không thể vô can khi loạt sự cố xảy ra.



Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm