Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yale, Stanford, UCLA bị điều tra vụ nhà giàu chạy trường

Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cuộc điều tra nhắm vào 8 trường sau bê bối hối lộ và chạy suất vào đại học hàng đầu bị phanh phui hồi đầu tháng này.

Theo Politico, các nhà điều tra nội bộ của Bộ Giáo dục đang điều tra xem liệu những trường đại học này có vi phạm bất kỳ luật hoặc quy tắc nào để "điều chỉnh các chương trình hỗ trợ tài chính liên bang" hoặc "bất kỳ luật hiện hành nào khác".

Nếu bộ phát hiện bất kỳ trường nào vi phạm các quy định giáo dục liên bang, cơ quan này sẽ đưa ra một số hình phạt, nặng nhất bao gồm cắt đứt chương trình Học bổng Pell hay không cho phép tiếp cận các khoản vay của chính phủ liên bang dành cho sinh viên.

Bo Giao giuc My dieu tra be boi chay truong anh 1
Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos cho rằng vụ bê bối chạy trường là "đáng xấu hổ" và tuyên bố sẽ điều tra vụ việc. Ảnh: Getty.

Các quan chức giáo dục liên bang hôm 25/3 đã thông báo tới 8 trường đại học trong danh sách, cho biết họ sẽ phải đối mặt với một "cuộc điều tra sơ bộ", xuất phát từ các cáo buộc hình sự được công bố hồi đầu tháng này.

Tám trường đại học nói trên gồm hầu hết cơ sở danh tiếng, như Đại học Yale, Đại học Stanford, Đại học Georgetown, USC, UCLA hay Đại học Texas Austin.

Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos đã lên án vụ bê bối này, cho rằng đây là điều "đáng xấu hổ" và yêu cầu các quan chức của bộ xác định xem liệu những quy định của cơ quan này có bị vi phạm hay không.

Các trường đại học sẽ phải gửi tới Bộ Giáo dục các tài liệu liên quan trong vòng 30 ngày tới, bao gồm tài liệu tiếp thị và quảng cáo, tuyên bố gửi cho các tổ chức xếp hạng đại học, như US News and World Report, cùng với đó là các chính sách kiểm soát nội bộ và thủ tục tuyển sinh dành cho các vận động viên.

Các điều tra viên của bộ cũng yêu cầu phía trường đại học xác định danh tính của những sinh viên đã nhập học được đề cập trong cáo buộc của Bộ Tư pháp, cũng như những biện pháp kỷ luật đối với các nhân viên bị cáo buộc nhận hối lộ.

Các cuộc điều tra sẽ được tiến hành bởi Đơn vị Thực thi Trợ giúp Sinh viên, được lập ra từ thời chính quyền Obama để kiểm soát gian lận ở bậc đại học. Đơn vị này có khả năng ban hành trát đòi hầu tòa.

Bo Giao giuc My dieu tra be boi chay truong anh 2
William "Rick" Singer nhận tiền lót tay từ các phụ huynh giàu có, quyền lực, móc nối với huấn luyện viên của các trường danh tiếng để gian lận. Ảnh: Reuters.

Trước đó, một đường dây lừa đảo tuyển sinh 25 triệu USD ở Mỹ đã bị phanh phui. Theo ABC News, khoảng 50 người bị bắt giữ vì dính líu bê bối chạy suất vào đại học danh giá. 

Những đối tượng bị truy tố gồm người đứng đầu đường dây William “Rick” Singer, 33 phụ huynh (hầu hết là người nổi tiếng, giàu có) chi tiền mua suất, Mark Riddell - người chịu trách nhiệm thi hộ cho nhiều thí sinh - và nhân viên các trường hợp tác với Singer để vận hành đường dây.

Singer, thông qua các “đối tác”, đưa ra phương án “luồn lách” như mua chuộc quản trị viên của kỳ thi SAT hoặc ACT, thuê người thi hộ, làm chứng nhận thiếu năng lực học tập giả cho con để có thêm thời gian làm bài thi.

Trong một số trường hợp, Singer mua chuộc các huấn luyện viên hoặc quản lý các trường để họ đứng ra giới thiệu sinh viên theo diện thể thao hoặc nhận họ vào đội thể thao của trường. Đây là hai căn cứ để nhân viên phòng tuyển sinh ưu tiên xét tuyển thí sinh. 

Cha mẹ Nga chi hàng nghìn USD cho 'kỳ nghỉ sinh con' tại Mỹ

Bất kỳ đứa trẻ nào chào đời trên đất Mỹ đều được công nhận quyền công dân. Nhà giàu Nga sẵn lòng tận dụng cơ hội này.

Mỹ phá đường dây nhà giàu chạy suất cho con vào đại học Yale, Stanford

Hàng loạt diễn viên, người nổi tiếng, giám đốc điều hành các tập đoàn tại Mỹ bị bắt do liên quan tới hoạt động hối lộ để chạy suất theo học các trường đại học danh giá.


Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm