Yak-130 sẽ là tiêm kích đa năng
Irkut (Nga) sẽ tiến hành nâng cấp máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 thành tiêm kích đa năng với khả năng đối không và đối đất bằng vũ khí chính xác cao.
>> Giải mã công nghệ tàng hình Mỹ
>> Đài Loan lần đầu thử nghiệm hàng loạt vũ khí tối tân
>> Những ông trùm của công nghiệp hàng không (kỳ 2)
Yak-130 sau khi nâng cấp có thể mang thêm tên lửa đối đất/hải - nó sẽ trở thành một giải pháp cho các quốc gia có ngân sách quốc phòng eo hẹp nhưng muốn sở hữu tiêm kích đa năng, hiện đại. |
Ria Novosti dẫn lời Chủ tịch Irkut Alexei Fedorov cho biết, tập đoàn lên kế hoạch cho chương trình nâng cấp hệ thống điện tử trên máy bay Yak-130, bao gồm lắp đặt radar và hệ thống ngắm quang – điện tử.
Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Irkut Komstantin Popovich, chương trình nâng cấp sẽ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu sẽ lắp đặt hệ thống tiếp nhiên liệu trên không và hệ thống quang - điện tử, dự kiến, công việc sẽ hoàn thành vào năm 2013. Giai đoạn hai, nhà thiết kế có kế hoạch trang bị cho máy bay radar điều khiển hỏa lực.
Trước đó, chia sẻ với tạp chí Aviation Week, lãnh đạo Phazotron Yury Guskov cho hay, công ty này đang phát triển radar mang tên FK-130 cho Yak-130. “Chương trình nâng cấp này không theo yêu cầu từ Không quân Nga,” ông Popovich lưu ý.
Yak-130 thiết kế mang 3.000 kg vũ khí trên 9 giá treo: 6 dưới cánh, 2 đầu mút cánh và 1 dưới thân. Máy bay mang được tên lửa đối không tầm ngắn R-73, bom có điều khiển KAB-500, bom và rocket không điều khiển.
Cũng theo ông Popovich, việc lắp đặt radar sẽ cung cấp cho Yak-130 khả năng phát hiện mục tiêu dưới mặt đất dẫn đường cho tên lửa không đối đất giống như Kh-31, Kh-38 và Kh-29 tiến công. “Chúng tôi hiểu rằng sự ổn định của máy bay cho phép sử dụng tên lửa hạng nặng,” ông này nói.
Với khả năng này, nó sẽ biến Yak-130 thành tiêm kích đa năng có thể thực hiện vai trò tấn công mục tiêu trên không và mặt đất, hay trên biển. Dù vậy, Yak-130 vẫn đảm nhiệm tốt vai trò chính, huấn luyện phi công chiến đấu lái máy bay thế hệ thứ tư, thứ năm.
Năm 2012, Không quân Nga đã quyết định lựa chọn Yak-130 làm máy bay huấn luyện chiến đấu cho phi công thay thế cho đội bay L-39 đã lỗi thời.
Sau khi Yak-130 hoàn tất cả các chương trình thử nghiệm năm 2009, Không quân Nga đặt mua 12 chiếc. Tới năm 2011, họ lại đặt hàng thêm 55 chiếc khác. Tập đoàn Irkut cũng tích cực quảng bá xuất khẩu Yak-130.
Năm 2006 chính phủ Algeria đã ký hợp đồng mua 16 chiếc. Năm 2011, chính quyền Syria đã đồng ký mua 36 chiếc Yak-130 với tổng giá trị hợp đồng 550 triệu USD. Ngoài ra, Irkut đang có tham vọng đưa Yak-130 tới thị trường Đông Nam Á. Malaysia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan được cho là những khách hàng tiềm năng có thể mua Yak-130 trong tương lai gần.
Theo Bee/ Kiến thức