Tranh Olympia của Edouard Manet. Ảnh: Google Art Project. |
Bạn có bản sao nghệ thuật nào - có thể là bưu thiếp hay một tấm poster lớn bằng người thật - mà bạn đã gìn giữ trong nhiều năm không? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình lại giữ hình đó lâu vậy không? Điều gì ở nó đang nói chuyện trực tiếp với bạn. Nó đặt ra câu hỏi gì? Tại sao nó lại rất đẹp trong mắt bạn? Hay là thu hút? Trong hàng triệu hình ảnh trên thế giới, bạn đã chọn sống cùng hình ảnh này. Tại sao lại như vậy?
Gần đây, tôi cũng hỏi bản thân những câu hỏi tương tự. Bên cạnh những bài học nho nhỏ về lịch sử nghệ thuật, đây là câu trả lời của tôi.
Trong hơn 30 năm, bên cạnh những bức tranh màu nước, sơn dầu và ảnh gia đình và bạn bè, lúc nào trên tường nhà tôi cũng có một chỗ để treo một món quà lưu niệm - một bản sao nghệ thuật.
Tôi lấy tấm ảnh có khung của bức Olympia của Edouard Manet này ở đâu? Có phải chị cả của tôi đã tặng tôi để ghi nhận niềm đam mê nghệ thuật đang chín muồi trong tôi? Hay là chị đã tặng cho tôi khung tranh với một thứ gì khác bên trong? Tôi nhớ mang máng hình như là một bức tranh vẽ một con mèo của cùng tác giả. Xin lỗi Susie!
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, tôi luôn gắn việc có được bức tranh này với sự khởi đầu giai đoạn độc lập của một người trưởng thành. Và tôi không chỉ nói về giới tính ở đây.
Tác phẩm theo trường phái Tiền-Ấn tượng năm 1863 này vẽ một phụ nữ da trắng, khỏa thân, đang nằm tựa vào giường, bên cạnh là một người hầu da đen. Và bộ phim Titanic thì nói về một con tàu lớn bị đắm! Hiểu theo một cách nào đó, ảnh hưởng của Olympia đối với chuẩn mực nghệ thuật phương Tây cũng giống như tảng băng kia đối với con tàu nổi tiếng. Có lẽ không quá khi cho rằng cùng bức tranh này, những truyền thống Cổ điển khả kính cũng bắt đầu chìm dần.
Dù Manet quan tâm đến truyền thống này bằng việc mượn ý tưởng từ bức Vệ Nữ xứ Urbino của Titian (1538), ông đã mang chủ đề thời Phục hưng Ý này đi đến hiện tại. Ông không hề che giấu nội dung bằng bất kỳ tấm màn thần thoại nào. Người phụ nữ này, cũng như tất cả những nàng Vệ Nữ và cung nữ trước đó, đều được vẽ ra nhằm mua vui cho đàn ông. Và đây chính là điểm khiến nó trở nên đáng chú ý.
Những bức vẽ phụ nữ khỏa thân trong nghệ thuật phương Tây luôn rất mời gọi đối với những người xem là nam. Tác phẩm của Titian đã minh họa điều này. Nàng Vệ Nữ của ông, với da thịt hồng hào và mềm mại, đang e lệ nhìn vào người bảo trợ của mình. Cánh tay trái mềm oặt của nàng trễ nải vắt qua bên hông, để lại bàn tay mềm yếu che đi phần kín. Sẽ chẳng nhọc công để giơ nó lên!
Nàng cũng sẽ trung thành và sẵn sàng phục vụ một cách dịu dàng, giống như chú chó đang cuộn mình ở dưới chân nàng vậy. Công tước xứ Urbino đã treo bức tranh này ở tư gia của mình.
Bức Olympia của Manet thoát được ban hội thẩm bảo thủ của Hàn lâm viện và được đưa vào cuộc triển lãm thường niên ở Paris. Đó là một buổi trưng bày công khai về một chủ đề đã bị che giấu từ xưa: nghề mại dâm. Cũng như những từ “Boom Boom” hay “Trixie” có thể gợi nhớ đến nghệ thuật múa thoát y ở đất nước này, “Olympia” chỉ ra những thứ đang diễn ra trên đường phố Paris những năm 1860.
Một bông phong lan lạ lùng nở bung rực rỡ, quyến rũ lạ kỳ, tô điểm cho mái tóc của nàng. Một dải lụa đen quấn quanh cổ nàng, cùng đôi guốc - chiếc mang trên chân chiếc rơi xuống giường, tất cả khiến cho nghề nghiệp của nàng dư rõ đối với người xem tranh đương thời. Con mèo đen đang động dục ở chân nàng cho ta thấy óc hài hước của người họa sĩ.
Tuy nhiên, tôi giữ bức ảnh tranh này hơn nửa đời mình không phải vì nó phô bày một sự thức tỉnh xã hội hay một sự châm biếm. Khi tôi nhìn thấy bức tranh, cả bản sao lẫn bản chính ở bảo tàng Musee d’Orsay, tôi cảm thấy biết ơn người họa sĩ nam này.
Là một phụ nữ trẻ, tôi đánh giá Olympia là một tấm gương của sự ngoan cường của người phụ nữ, dám nhìn thẳng vào sự đàn áp. Qua hình ảnh người hầu gái da đen đang nhìn cô chủ với ánh mắt thương xót, rồi đến lượt mình, cô chủ ấy lại nhìn “ông chủ” của mình không chớp mắt, những phương thức mưu sinh đã được định sẵn của những người phụ nữ nghèo trưng ra trước mắt ta một cách rõ ràng.
Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, ý thức nữ quyền trong tôi hiếm khi được lơi lỏng. Có một sự tương đồng giữa việc các hiệu trưởng ép tôi đứng lớp như đang “dạy dỗ” tôi và việc các khách hàng nam hành xử trịch thượng thái quá với cô gái bán hoa trẻ tuổi kia.
Hệt như cách Olympia đã khiến cho những khách làng chơi giữa thế kỷ 19 phải cúi mặt, tôi cũng cố gắng không chớp mắt trước sự phân biệt giới tính ở cuối thế kỷ 20.