Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc cho biết cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến sẽ được tổ chức tại Nhà Hòa bình thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều. Khu vực này do Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc quản lý, là nơi các đại diện quân sự của Trung Quốc, Triều Tiên và Liên Hợp Quốc từng hoàn tất thỏa thuận đình chiến vào năm 1953.
Theo chuyên gia phân tích Cheong Seong-chang (Học viện Sejong, Hàn Quốc), quyết định đồng ý gặp gỡ nhà lãnh đạo đồng cấp tại Bàn Môn Điếm thể hiện cách thức tiếp cận đầy thực tế của ông Kim Jong Un.
"Việc đồng ý gặp gỡ tại làng đình chiến - biểu tượng của sự chạm trán nằm ở phần lãnh thổ Hàn Quốc - thể hiện tính cách táo bạo và kiên quyết của nhà lãnh đạo Triều Tiên", Koreal Herald dẫn lời chuyên gia này bình luận.
Ngày nay, Bàn Môn Điếm là địa điểm duy nhất trong khu phi quân sự nơi các đại biểu từ Triều Tiên và Lực lượng Liên Hợp Quốc gặp nhau để thảo luận về các vấn đề quân sự, chính trị và hậu cần. Ảnh: Getty. |
Ông Cheong Seong-chang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hàn Quốc có thái độ bình tĩnh trong khi giải quyết các vấn đề của bán đảo Triều Tiên nhằm ngăn chặn việc gia tăng căng thẳng. Đồng thời, ông cũng cho rằng Hàn Quốc nên bắt đầu xây dựng lại niềm tin đối với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, ông Koh Yu-hwan, giảng viên môn Triều Tiên học tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc), cho rằng quyết định gặp gỡ thể hiện quyết tâm của hai nước láng giềng trong việc tự giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
"Đây là cuộc gặp lần thứ 3 của hai bên trong năm 2018. Điều này chứng tỏ họ chủ động giải quyết mối quan hệ bế tắc giữa hai đất nước", ông Koh Yu-hwan nhận định.
Vị chuyên gia này cũng đề cập tới chuyện Bình Nhưỡng có thể sẽ đàm phán với Mỹ về vấn đề từ bỏ chương trình hạt nhân.
Triều Tiên từ lâu vẫn khẳng định chương trình hạt nhân không phải là chuyện để đặt lên bàn đàm phán vì đó là cách chống trả duy nhất của họ đối với "sự hung hăng" từ Mỹ. Trong khi đó, Mỹ giữ vững lập trường chỉ nói chuyện với Triều Tiên khi đất nước này đồng ý đối thoại về vấn đề phi hạt nhân.
Tuy nhiên, mới đây nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tuyên bố không cần thiết duy trì chương trình hạt nhân nếu những mối đe dọa chống lại nước này bị loại bỏ và họ được đảm bảo về an ninh. "Điều này có nghĩa việc đàm phán giờ đây thuộc về quyền chủ động của Mỹ", chuyên gia Koh Yu-hwan nói.