Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý kiến trái chiều việc CSCĐ được huy động thiết bị cơ quan ngoại giao

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đối chiếu điều ước quốc tế thì người, phương tiện, thiết bị của cơ quan ngoại giao không được trưng dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cho phép cảnh sát cơ động trưng dụng người, thiết bị... của cơ quan ngoại giao trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 15/2.

Ngoài ra, tại phiên họp đại diện các ủy ban của Quối hội còn cho ý kiến về việc HĐND, UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động của CSCĐ.

Cần thực hiện theo đúng hiến pháp và điều ước quốc tế

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý về quy định cho phép CSCĐ vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam thì “phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Theo bà, cần nói rõ “quy định của pháp luật Việt Nam” ở đây là quy định nào chứ không nên chung chung. “Quy định thế này thì ngay cả CSCĐ cũng không biết tìm điều luật nào để tuân thủ”, bà Nga nói.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Điều 16 dự thảo luật có quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế… thực hiện theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Tuy nhiên, đối chiếu điều ước quốc tế thì người, phương tiện, thiết bị của cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế không được trưng dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Luat CSCD cho phep trung dung thiet bi co quan ngoai giao anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Ngoài ra, ông Tùng cũng băn khoăn khi Điều 13 quy định việc vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố song Luật Phòng, chống khủng bố lại không có quy định cụ thể về việc này.

"Trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm, đã được hiến định. Do đó, khi hạn chế quyền này thì phải quy định trong luật rõ ràng để thực hiện", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Địa phương hỗ trợ kinh phí cho cảnh sát cơ động không trái Luật Ngân sách Nhà nước

Một nội dung khác được quan tâm là trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong “hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định về ngân sách Nhà nước”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn vì Luật Ngân sách Nhà nước không quy định hỗ trợ. “Tại sao không quy định ngân sách Nhà nước đảm cho hoạt động của cảnh sát cơ động mà lại quy định HĐND, UBND có hỗ trợ?”, bà Nga nêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay quy định như dự thảo không sai với Luật Ngân sách Nhà nước. Thực tế địa phương đều hỗ trợ cho lực lượng công an, quân đội trong trường hợp phòng, chống thiên tại, dịch bệnh, chống lâm tặc…

“Đặc biệt, trong chống dịch vừa qua, chúng ta huy động lực lượng vũ trang rất nhiều, ngân sách cấp trên chưa giải quyết được kịp thời thì ở cấp địa phương có quyền hỗ trợ và luật cho phép”, ông Hải nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình đưa cơ chế hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ. “Nếu không có luật thì địa phương khó làm”, ông Thanh nói.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay Luật Ngân sách Nhà nước cấm ngân sách cấp này chi cho cấp kia nhưng cho phép ngân sách địa phương được hỗ trợ cho đơn vị Trung ương như công an, tòa án, viện kiểm sát và lực lượng khác trên địa bàn khi tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, địch họa…

Ông Vương Đình Huệ lấy ví dụ bộ đội huy động cả tiểu đoàn “dầm mưa dãi nắng” gặt lúa cho dân trong lúc chạy lũ. Đây không phải nhiệm vụ chính của bộ đội nhưng việc của dân thì phải xông vào làm. Dự toán kinh phí của Bộ Quốc phòng không chi cho việc này, cho nên địa phương có hỗ trợ.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định về địa phương hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của cảnh sát cơ động không trái với Luật Ngân sách Nhà nước.

“Không chỉ ngành công an, mà nhiều ngành dọc khác nữa như Hà Nội bỏ tiền xây trụ sở cho tòa án, rồi các tỉnh khác cũng hỗ trợ xây trụ sở cho lực lượng công an xã chính quy”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Theo đại tướng Tô Lâm, Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng An ninh đã thống nhất nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Nội dung chỉnh lý, bổ sung không làm thay đổi chính sách lớn trong dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua.

Qua thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải CSCĐ là lực lượng vũ trang, thực hiện biện pháp vũ trang chủ yếu trong CAND. Sau 35 năm, lực lượng công an vũ trang có quyết định chuyển sang quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới mà bây giờ gọi là bộ đội biên phòng thì trong công an vẫn cần một lực lượng thực hiện biện pháp vũ trang.

Đối với câu chuyện ngân sách, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ xúc động, trân trọng cảm ơn đại biểu đã chia sẻ với lực lượng công an nói chung và CSCĐ nói riêng.

Sau phiên họp hôm nay, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quốc phòng An ninh để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, đại biểu để hoàn thiện dự thảo trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (dự kiến từ 23/5 đến 14/6).

Không quân Công an Nhân dân muốn sớm có máy bay

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Phó tư lệnh CSCĐ kiến nghị sớm trang bị máy bay cho lực lượng Không quân Công an Nhân dân, bảo đảm công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm