Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý định dùng du thuyền làm bệnh viện của ông Trump gây lo ngại

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn dùng một số du thuyền hạng sang của hãng Carnival làm bệnh viện nổi. Giới chuyên gia y tế lên tiếng phản đối.

Theo New York Times, tuần trước Tổng thống Trump thông báo doanh nhân Micky Arison - Chủ tịch Carnival Corporation - đề xuất biến các con tàu của hãng thành bệnh viện nổi chăm sóc người mắc các bệnh ngoài Covid-19 để giảm tải cho hệ thống y tế Mỹ.

Ông Arison là đối tác làm ăn cũ của ông Trump. Tổng thống Mỹ mô tả đề xuất của ông Arison là "rất hào phóng" và cho biết các du thuyền khổng lồ rất nhiều phòng này có thể neo đậu ở New York, Los Angeles và San Francisco.

Carnival là công ty dịch vụ du thuyền lớn nhất thế giới và đạt doanh thu khoảng 18 tỷ USD năm 2018. Người đại diện Carnival cho biết hãng sẽ chỉ thu phí đồ ăn và nước uống nếu du thuyền trở thành bệnh viện nổi.

Tuy nhiên, New York Times cảnh báo việc Tổng thống Trump tận dụng mối quan hệ làm ăn trong quá khứ để hợp tác với Carnival có thể dẫn tới nhiều rủi ro.

trung dung du thuyen lam benh vien anh 1

Một du thuyền sang trọng của Carnival. Ảnh: Business Insider.

Tâm điểm trong dịch Covid-19

Carnival trở thành “tâm điểm” trong dịch Covid-19 khi du thuyền Diamond Princess trở thành ổ dịch Covid-19 với 700 du khách nhiễm bệnh và bị cách ly ở Yokohama, Nhật Bản hồi đầu tháng 2.

Sau đó, tàu Grand Princess bị cách ly ngoài khơi Oakland, California khi một số hành khách nhiễm virus. Gần đây nhất, tàu Costa Luminosa lênh đênh trên biển suốt 7 ngày sau một ca nghi nhiễm. Hiện, nhiều hành khách trên tàu bị xác định dương tính với virus corona.

New York Times cho biết khi khủng hoảng nổ ra, ông Trump và ông Arison nhiều lần trao đổi qua điện thoại. Hai người là đối tác làm ăn trong hơn 10 năm qua.

Cuối tuần trước, ông chủ Nhà Trắng khẳng định các tàu của Carnival "rất sạch sẽ" và "vi khuẩn sẽ biến mất sau một vài ngày hoặc vài giờ, tùy thuộc vào bề mặt”.

Trên thực tế, năm 2005 chính quyền Mỹ từng sử dụng tàu của Carnival khi đối phó với các cơn bão lớn. Tuy nhiên, lần này các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo việc sử dụng các du thuyền lớn làm bệnh viện là hết sức rủi ro và là sự lựa chọn tồi tệ.

trung dung du thuyen lam benh vien anh 2

Carnival tạm dừng dịch vụ trong vòng 60 ngày kể từ đầu tháng 3 vì dịch Covid-19. Ảnh: Huffington Post.

Giáo sư dịch tễ học Tara C. Smith thuộc Đại học Kent State cảnh báo: “Các phòng trên tàu rất nhỏ, khó ra vào, khó kiểm soát ngu cơ lây nhiễm”. Bà Smith và nhiều chuyên gia dịch tễ khác khẳng định các loại bệnh lây nhiễm như Covid-19 hay MERS rất dễ lây lan trên tàu.

Năm ngoái, các điều tra viên của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) xếp hạng vệ sinh tàu Fantasy của Carnival rất thấp. Vài năm trước, Carnival phải nộp hàng chục triệu USD tiền phạt vì tội xả chất gây ô nhiễm ra biển.

Carnival Corporation ngừng dịch vụ trong vòng 60 ngày kể từ đầu tháng 3 sau khi các ổ dịch Covid-19 xuất hiện trên nhiều du thuyền lớn. Ngành công nghiệp trị giá 45 tỷ USD tê liệt khi Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo mọi người không nên du lịch trên tàu biển và hạn chế ra nước ngoài.

Lợi dụng quen biết để kiếm tiền?

Giới quan sát cảnh báo ý tưởng của ông Trump có thể giúp Carnival tạo nguồn thu mới béo bở dưới cái mác “cứu trợ trong dịch bệnh”.

"Đó là cách để hãng này kiếm hàng triệu USD. Lãnh đạo Carnival không hề khờ dại", New York Times dẫn lời chuyên gia Ross Klein thuộc Đại học Newfoundland.

Chuyên gia Klein nghi ngờ rằng tàu của Carnival sẽ neo đậu ngoài khơi các bờ biển nước Mỹ, tận dụng các lỗ hổng trong luật thuế, qua đó dễ dàng né thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc Tổng thống Trump chỉ nhắc đến Carnival mà không cho các công ty khác đấu thầu cũng dẫn tới nghi vấn "chủ nghĩa tư bản thân hữu".

Ngoài ra, theo The Verge, các chuyên gia cũng cho rằng chính phủ Mỹ không nên cứu trợ ngành công nghiệp tàu du lịch biển. Về cơ bản, Carnival hay Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line không đặt trụ sở ở Mỹ, không đóng một đồng thuế thu nhập liên bang nào cho chính phủ Mỹ.

trung dung du thuyen lam benh vien anh 3

Carnival không đóng thuế thu nhập liên bang ở Mỹ. Ảnh: Newsweek.

Theo hồ sơ Carnival Corp nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Quốc gia Mỹ, công ty này được thành lập từ các tập đoàn nước ngoài, chủ yếu tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải tàu biển trong vận tải quốc tế.

Hơn nữa, du lịch tàu biển không phải là ngành công nghiệp thực sự quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Các hãng hàng không cần được cứu trợ bởi đó là hệ thống giao thông đóng vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế. Ngược lại, không ai lên du thuyền đến một nước khác vì họ "cần".

"Ngành công nghiệp du lịch tàu biển không quan trọng. Chúng không chuyên chở hàng hóa và không phải là một phần trong chuỗi vận tải hay cung ứng hậu cần", Forbes dẫn lời nhà phân tích Robert Cole thuộc tổ chức Lodging and Leisure Travel khẳng định.

Nhật Bản cấp 2.000 iPhone cho hành khách du thuyền ổ dịch virus corona

Theo Business Insider, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp 2.000 chiếc iPhone cho các hành khách bị mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princess, nơi hơn 200 người nhiễm virus corona.

Bên trong du thuyền bị phong tỏa với 10 người nhiễm virus Vũ Hán

Có tới 10 hành khách trên du thuyền Diamond Princess nhiễm virus corona. Con tàu to lớn, sang trọng trở nên hoang vắng dù 3.771 hành khách và thủy thủ đoàn “mắc kẹt”.

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm