Trước vụ việc anh Mai Thanh Sang, người bị mắc kẹt trong kho lạnh suốt 5 ngày trước khi được phát hiện, nhiều người đã đặt ra thắc mắc về sự chậm trễ trong công tác cứu hộ. Chị Hải Yến, công nhân tham gia cứu hộ, đã kể lại sự việc với Zing.vn để giải đáp thêm những câu hỏi này từ độc giả.
Chị Yến kể, tai nạn xảy ra ngay khi gần kết thúc ca làm việc, khoảng 17h ngày 19/7. Khi đó, một nhóm công nhân đang làm trong kho cấp đông của Công ty cổ phần Vạn Ý (ở cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) thì bất ngờ hàng loạt kệ hàng chứa cá tra và basa bị đổ. Một số công nhân chạy thoát ra ngoài, nhưng có 2 người bị kẹt lại bên trong là anh Tiêu Văn Túp (49 tuổi) và Mai Thanh Sang.
"Để vượt qua giờ phút sinh tử ngoạn mục như vậy, có lẽ nhờ vào tinh thần của anh Sang rất vững vàng và động lực phải rất lớn. Vợ và đứa con bé nhỏ vừa chào đời chính là động lực để anh Sang cố gắng sống sót một cách phi thường”.
Một công nhân tham gia cứu hộ chia sẻ.
Lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo ngưng mọi hoạt động sản xuất để tập trung nhân lực (cả ở các công ty thành viên) về kho Vạn Ý để cứu nạn. Sau khoảng 3 giờ, lực lượng chỉ tìm thấy công nhân Túp giữa những kệ chứa hàng hoá và cá đông lạnh.
Công việc tìm anh Sang tiếp tục mở rộng. Các vách kho đều được khoét thêm lối ra, tại mỗi lối đi, cửa kho hàng, thoát hiểm đều bố trí từng hàng người để di chuyển hàng hóa ra ngoài, thuận tiện cho việc tìm người. Tuy nhiên, do nhiệt độ quá thấp trong kho, dù đã tắt toàn bộ hệ thống cấp lạnh, lực lượng tìm kiếm không thể ở lâu trong đó.
"Chúng tôi phải thay phiên nhau từng tốp như thế suốt 24/24 giờ. Công ty cũng mời lực lượng bộ đội từ Trung đoàn Bộ binh 320 của tỉnh đội Đồng Tháp, Trung đoàn Bộ binh 9 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 8, Quân khu 9) phục vụ cho công tác tìm kiếm anh Sang", nữ đồng nghiệp của anh Sang nói.
Nhiều người tham gia cứu hộ công nhân gặp nạn. |
Do kho rộng khoảng 4.000 m2 không chỉ chứa hàng hóa, mà còn rất nhiều kệ sắt pallet gỗ, thùng hàng nên công nhân phải vừa cắt sắt vừa moi từng thùng cá rồi mới chuyển ra ngoài. Cũng bởi không định hướng được vị trí anh Sang đang mắc kẹt, và sợ rằng việc phá vách, hay phá nóc kho sẽ làm tăng những mảnh vỡ vụn sắt thép nên lực lượng cứu không thể dùng xe cẩu. Cách tốt nhất mà họ nghĩ ra là khoét thêm vách làm cửa ra vào để mọi người chuyển từng thanh sắt, từng thùng cá ra ngoài.
Trước câu hỏi tại sao kho hàng vẫn ở nhiệt độ âm, theo chị Yến, bình thường kho hàng duy trì ở mức -20 độ C và được cách nhiệt rất tốt, khi tắt hết hệ thống làm lạnh thì nhiệt độ kho không thể nào ấm lên ngay lập tức. "Nhiệt độ lạnh còn tồn tại trong kho và tỏa ra từ hơn 3.000 tấn hàng cũng đủ để kho lạnh vẫn duy trì ở mức âm -5 đến -10 độ C".
Mọi người đang chờ tin tức về tình trạng sức khỏe hiện tại của anh Sang. |
Theo nhận định của người công nhân này, nhờ việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và thêm may mắn không bị vật nặng đè trúng người, cộng với ý chí sinh tồn nên anh Sang đã may mắn sống sót.
"Anh Sang đã trang bị cho mình 4 lớp áo: 2 lớp áo thun, 1 lớp áo len dày dài tay và áo bảo hộ lao động cách nhiệt do công ty trang bị; 3 lớp quần: 2 lớp quần dài và 1 quần bảo hộ lao động, ủng nón găng tay vớ dày. Vì thế, anh Sang cầm cự được trong nhiệt độ âm suốt 109 giờ bị kẹt. Khi tìm thấy, trên người anh vẫn còn nguyên vẹn ủng nón găng tay quần áo cách nhiệt".
"Tôi cũng là làm trong lĩnh vực kho lạnh. Thông thường một kho lạnh được thiết kế rất lớn (tuỳ thuộc vào quy mô của công ty, ví dụ kho lạnh lớn nhất Việt Nam chứa đến 42.000 tấn. Thêm vào đó, cho dù tắt nguồn không cung cấp điện thì bình quân phải cả tuần thì nhiệt độ mới giảm do kho lạnh phải đảm bảo độ kín khi thiết kế. Trường hợp anh Sang là rất may mắn khi mọi người tích cực cứu hộ cứu nạn. Anh sống là một điều kỳ diệu, cho thấy năng lực của con người là vô hạn".
Độc giả Huy Hùng