Phụ nữ Ả Rập Xê Út chịu nhiều ràng buộc vì luật Hồi giáo nghiêm khắc. Ảnh: AFP |
Ngày 17/8, báo al-Media đưa tin tòa án cấp cao ở Mecca tuyên bố giữ nguyên bản án mà tòa án quận Jeddah đã thông qua đối với một phụ nữ vì cho rằng cô “nguyền rủa phẩm giá cảnh sát” khi gọi họ là “những kẻ dối trá” trong lúc hai bên tranh cãi.
Sự việc xảy ra khi cảnh sát tuần tra vào quán cà phê do người phụ nữ quản lý để kiểm tra hành vi vi phạm luật pháp hoặc đạo đức. Một số nhân viên phục vụ vi phạm luật nhập cư đã bỏ chạy sau khi thấy cảnh sát.
Lực lượng cảnh sát đạo đức thành lập năm 1926 mang tên gọi chính thức Ủy ban xúc tiến đức hạnh và ngăn ngừa trụy lạc, với chức năng giám sát hành vi của người dân tại đất nước áp dụng luật Hồi giáo dòng Sunni ở Ả Rập Xê Út. Cảnh sát tuần tra đường phố và nơi sinh hoạt công cộng, như siêu thị mua sắm, để thực thi luật trang phục kín đáo hoặc bảo đảm các cửa hàng phải đóng cửa trong khoảng thời gian cầu nguyện trưa, chiều, hoàng hôn và buổi tối theo đạo Hồi. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người dân bày tỏ bức xúc vì lối hành xử thô bạo và lạm quyền của lực lượng cảnh sát này trên mạng xã hội.
Luật Sharia của Hồi giáo mà Ả Rập Xê Út áp dụng trao quyền lực cho các thẩm phán để ra phán quyết dựa trên cách diễn giải ý nghĩa tôn giáo của quan toà, hơn là sử dụng những hướng dẫn kết án chính thức trong văn bản luật. Quốc vương Abdullah và Bộ trưởng Tư pháp Mohammed al-Issa đã thúc đẩy cải cách trong ngành tư pháp để tiêu chuẩn hóa việc kết án, nhưng giới quan sát cho biết nỗ lực này vấp phải cản trở từ các thẩm phán và quan chức bảo thủ trong Bộ Tư pháp.