Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm diễn ra sáng 29/9, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết cán cân thương mại tháng 9 thặng dư 3,5 tỷ USD, giúp giá trị xuất siêu 9 tháng đạt gần 17 tỷ USD.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước”, bà Hương nói.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng 20,2% và chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9% và chiếm 64,6%. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%).
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm được coi là điểm sáng. Ảnh: Việt Hùng. |
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 ước đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%. Có 32 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9 ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 7,27 tỷ USD).
Thông tin thêm về số liệu thống kê, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho rằng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 4,2% có thể coi là điểm sáng. Tuy nhiên, xét trong chu kỳ 9 tháng của 6 năm trở lại đây, xuất khẩu nói là tăng khá nhưng ở mức thấp: cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu tăng 8,4%; năm 2018 tăng 15,8% và năm 2017 là 20,6%.
“Đây là điều kiện khách quan do dịch Covid-19 khiến thương mại toàn cầu đứt gãy, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong chuỗi giá trị về mặt đầu tư các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong những tháng cuối năm và năm 2021, dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, nhập khẩu và sản xuất trong nước có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại”, ông Phong nhận định.
Trước câu hỏi về chênh lệch số liệu giữa Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, ông Phong cho biết sự khác biệt là do số ước tính và sơ bộ. Cụ thể, Tổng cục Thống kê dựa trên số liệu xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng từ cơ quan hải quan, sau đó tổ công tác liên Bộ sẽ ước tính số liệu của 15 ngày cuối tháng. Do vậy, số liệu ước tính có thể khác so với số sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố vào ngày 13 của tháng tiếp theo.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan đã họp để thống nhất phương án. Theo đó, Tổng cục Hải quan chuyển số liệu vào ngày 25 hàng tháng, trên cơ sở đó tổ công tác liên Bộ sẽ ước số liệu xuất nhập khẩu cho 30 ngày. Đến sáng ngày 28 trong tháng, Tổng cục Hải quan tiếp tục cập nhật số liệu 27 ngày của tháng báo cáo để Tổng cục Thống kê biên soạn số liệu thống kê kinh tế - xã hội.