Xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong tháng 11. Ảnh: The Economic Times. |
Theo phân tích của 28 nhà kinh tế của Reuters, các chuyến hàng xuất đi nước ngoài của Trung Quốc trong tháng 11 sẽ giảm 3,5% so với một năm trước đó. Và đây sẽ số liệu thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Ước tính này của các nhà kinh tế đối với xuất khẩu của Trung Quốc cho thấy nhu cầu hàng hóa toàn cầu đã giảm mạnh, do ảnh hưởng bởi lãi suất cao ở các nền kinh tế lớn. Các đơn hàng xuất khẩu ít trong tháng 10 đã dự báo trước sự sụt giảm này của tháng 11.
Số liệu kém hấp dẫn này có thể gây thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, khi suy thoái ngày càng gia tăng và chính sách Zero-Covid tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát vào tháng 11 tại các trung tâm sản xuất lớn, chẳng hạn như Trịnh Châu và Quảng Châu, có khả năng cũng làm gián đoạn sản xuất và gây áp lực lên xuất khẩu.
Ví dụ chính là tình trạng bất ổn của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại Trịnh Châu. Foxconn dự kiến tới cuối tháng 12, nhà máy mới có thể tiếp tục sản xuất hết công suất.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, một trong những chỉ số hàng đầu cho nhập khẩu của Trung Quốc, trong tháng 11 cũng sẽ thấp hơn 25,5% so với một năm trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ sáu liên tiếp và là tháng kém nhất kể từ tháng 5/2009.
Theo Reuters ước tính, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 11 sẽ chỉ ở mức 78,1 tỷ USD, giảm đáng kể so với 85,15 tỷ USD trong tháng 10.
Các nhà phân tích tại Nomura cho biết: “Tổng thể nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong tháng 11, khiến dự báo tăng trưởng GDP quý IV của nước này vẫn chỉ là là 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Mới đây, Bắc Kinh đã ra một chiến dịch tiêm chủng cho người già, một số chính quyền địa phương cũng đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa và các quy tắc kiểm dịch. Tuy vậy, các nhà kinh tế vẫn tiếp tục kêu gọi Trung Quốc nên mở cửa hơn nữa cho các hoạt động kinh tế.
Các nhà kinh tế của Reuters nhận định: “Trong tương lai gần, Trung Quốc nên ưu tiên mở cửa các hoạt động kinh tế như giao thông công cộng, tòa nhà văn phòng, nhà hàng, khách sạn, hậu cần, trung tâm mua sắm và những nơi khác”.
"Để có thể ổn định kinh tế và tăng cường niềm tin của người dân, Bắc Kinh nên đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội cho năm 2023 ở mức trên 5%, và cần gửi một tín hiệu rõ ràng rằng ưu tiên hàng đầu là phát triển và mở cửa các hoạt động kinh tế", các nhà kinh tế cho hay.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...