Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất ngoại sang Nhật: Bước khởi đầu cho giấc mơ hóa rồng

Việc Công Phượng và Tuấn Anh, cùng một số cầu thủ ở các quốc gia thuộc Đông Nam Á xuất ngoại sang Nhật cho thấy bóng đá “vùng trũng” giờ bắt đầu khoác trên mình chiếc áo mới.

Thủ môn Izwan Mahbud sẽ có cơ hội sang Nhật thử việc. Ảnh: Straight Times.
Thủ môn Izwan Mahbud sẽ có cơ hội sang Nhật thử việc. Ảnh: Straight Times.

Theo News.asiaone.com, thủ môn Izwan Mahbud đang tiến gần hơn đến cơ hội trở thành cầu thủ người Singapore đầu tiên được chơi bóng tại những giải đấu hàng đầu của Nhật. Mới đây, thủ môn đang đeo băng đội trưởng CLB LionsXII (Singapore) xác nhận với báo Straits Times sẽ tới Nhật thử việc ở CLB Matsumoto Yamaga. Được biết, Izwan Mahbud chỉ là một trong số nhiều trường hợp những cầu thủ mang quốc tịch ĐNÁ được các CLB tại giải J-League của Nhật để mắt tới.

Thời gian qua, đội bóng Matsumoto cũng bày tỏ sự quan tâm đến tiền vệ Safuwan Baharudin của Lions XII và Hariss Harun thuộc biên chế Johor Darul Ta'zim. Trong khi đó, bóng đá Thái Lan gần đây nổi lên hậu vệ trái Theerathon Bunmathan khoác áo Buriram United. Chính cây bút John Duerden thậm chí còn đánh giá đây là thời điểm thích hợp để cầu thủ 25 tuổi xuất ngoại. Gần nhất, chủ tịch Newin Chidchob của Buriram United không giấu chuyện Theerathon được một số đội bóng tại Nhật và Hàn Quốc chú ý.

Dù con số những cầu thủ ĐNÁ được xuất ngoại vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên, đó là bước tiến rất lớn so với mặt bằng chung của bóng đá “vùng trũng”. Trong quá khứ, bóng đá Thái Lan từng tự hào sản sinh ra chân sút Teerasil Dangda, cây săn bàn gây được tiếng vang nhờ sang Anh thử việc tại Manchester City và sau đó thi đấu cho Grasshopper II (Bỉ) và gần nhất được Almeria (Tây Ban Nha) mượn ở mùa giải 2014-2015. Đáng chú ý, các cầu thủ ĐNÁ chinh phục được các CLB nước ngoài phần lớn nhờ tài năng, chứ không phải nằm trong mục đích thương mại.

Công Phượng cũng được dịp chui rèn năng lực tại Nhật sắp tới đây.
Công Phượng cũng được dịp chui rèn năng lực tại Nhật sắp tới đây. Ảnh: Tùng Lê

Với thủ môn Izwan Mahbud, anh tạo được ấn tượng mạnh nhờ có đến 18 pha cứu thua trong trận hòa của 0-0 của Singapore trước Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2018 hồi tháng 6. Phó chủ tịch Yoshiyuki Kato của Matsumoto từng đánh giá rất cao tân binh này qua nhận xét như sau: "Izwan là một trong những cầu thủ được chúng tôi theo dõi trong thời gian qua, và đội bóng rất vui khi mời cầu thủ này tới Nhật thử việc. Chúng tôi rất tin tưởng vào năng lực của Izwan Mahbud. Anh ấy có tố chất trở thành một trong những thủ môn xuất sắc nhất châu Á. Ngoài ra, có nhiều cầu thủ ở Singapore có đủ tố chất để chơi bóng tại Nhật và chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận để sắp xếp việc mời họ sang đây thử việc".

Theo Ajw.asahi.com, việc các tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh hay Izwan Mahbud liên tục được sang Nhật thời gian gần đây nhờ vào sự hợp tác mang tính chất đôi bên cùng có lợi giữa các nhà làm bóng đá ở đất nước mặt trời mọc và những quốc gia thuộc ĐNÁ. Trong bài xã luận do cây bút Ryi Utsumi thực hiện, nhà báo này cho biết các CLB của Nhật sẽ cử nhiều HLV tới ĐNÁ nhằm nỗ lực giúp đỡ các đội tuyển thuộc khu vực này phát triển bóng đá, từ đó hướng tới mục tiêu đặt chân vào Olympic mùa hè 2020. Đổi lại, Nhật Bản muốn thâm nhập vào thị trường bóng đá đầy hứa hẹn ở ĐNÁ để quảng cáo hình ảnh.

Được biết, toàn bộ chi phí cho dự án kéo dài 5 năm hợp tác giữa những CLB của Nhật và 10 thành viên thuộc khối ASEAN sẽ do tổ chức Japan Foundation tài trợ hòng thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế các quốc gia. Trong năm tài khóa sẽ kết thúc vào tháng 3/2016, lần lượt những đội bóng gồm Kawasaki Frontale, Yokohama F Marinos và Matsumoto Yamaga sẽ cử nhiều HLV đến hỗ trợ bóng đá cho Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Trong khi đó, đội bóng Omiya Ardija thuộc giải J-League 2 sẽ gửi những HLV sang Lào và Campuchia, còn 5 quốc gia còn lại thuộc cộng đồng ASEAN cũng sớm có những HLV tới đây làm việc sau khi giải J-League đưa ra quyết định cuối cùng.

Theerathon Bunmathan (số 3) đang là cái tên được nhiều CLB tại Nhật và Hàn Quốc chú ý.
Theerathon Bunmathan (số 3) đang là cái tên được nhiều CLB tại Nhật và Hàn Quốc chú ý.

Dựa vào từng nhu cầu của mỗi quốc gia, các HLV người Nhật sẽ giúp đỡ các đội tuyển trẻ hoặc những CLB địa phương hùng mạnh có lứa cầu thủ tiềm năng còn ở độ tuổi trung học. Trong năm tài khóa, CLB Kawasaki sẽ gửi các HLV tới Việt Nam 2 lần, mỗi lần kéo dài 1 tuần. Họ sẽ chủ yếu làm việc ở đội bóng mạnh B​.Bình Dương. Từ năm tài khóa tiếp theo, các HLV Nhật Bản sẽ tới Việt Nam thường xuyên hơn và dài ngày hơn. Điều này mở ra cơ hội cùng có lợi cho đôi bên khi sẽ có nhiều hơn những cầu thủ của chúng ta được sang Nhật rèn luyện kỹ năng, còn giải V.League cũng xuất hiện nhiều ngoại binh chất lượng từ nước bạn.

Việc Nhật Bản đẩy mạnh tăng cường hợp tác bóng đá với các quốc gia ĐNÁ bắt đầu từ năm 2012. Theo đó, những nhà điều hành giải J-League muốn tấn công vào thị trường tiềm năng này như một phần trong "dự án châu Á" hòng quảng cáo bóng đá Nhật, cũng như nỗ lực tăng cường giúp đỡ nền bóng đá trong khu vực phát triển. Điều này đã và đang mang đến nhiều tín hiệu lạc quan cho mặt bằng chung của bóng đá ĐNÁ. Rồi đây, các cầu thủ sẽ có dịp được thử sức ở môi trường hàng đầu khu vực và không chừng trong tương lai còn tạo đà thăng tiến nữa. Khi đó, người ta sẽ không chỉ thấy những Yuto Nagatomo đá cho Inter Milan, Atsuto Uchida phục vụ Schalke hay Hiroki Sakai đầu quân cho Hannover 96, mà còn xuất hiện cả những cái tên nào đó từ Thái Lan, Singapore và đặc biệt Việt Nam.

 

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm