Chiều 12/10, phát biểu tại hội thảo tháo gỡ để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 7,7 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt cao (3 tỷ USD), xếp sau là cá tra (1,8 tỷ USD), cá ngừ và các loại hải sản khác.
Trong 3 tỷ USD của xuất khẩu tôm, thẻ chân trắng chiếm 75% (tăng 24,1%), tôm sú 13,7%, còn lại là các loại tôm khác.
Theo ông Trương Đình Hòe, mục tiêu xuất khẩu tôm của VASEP trong năm 2022 là 4,3 tỷ USD, phấn đấu đạt 6 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất; phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh.
Tổng thư ký VASEP nói rằng cả nước có 600.000 ha nuôi tôm sú, 150.000 ha tôm thẻ, sản lượng đạt khoảng 970.000 tấn mỗi năm. Trong đó, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang chiếm 70% diện tích (515.029 ha tôm thẻ, 68.250 ha tôm sú).
Nuôi tôm công nghiệp theo mô hình lót bạt tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân. |
Năm 2021, xuất khẩu tôm cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD (tôm thẻ gần 3 tỷ USD). Trong khi đó, Ecuador chỉ có 330.000 ha tôm thẻ nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD.
“Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang gặp thách thức vì xếp sau Ecuador và Ấn Độ. Một con số rất thú vị là Sóc Trăng quy hoạch 39.000 ha tôm thẻ nhưng xuất khẩu gần 800 triệu USD, còn Cà Mau xuất khẩu tôm thẻ gần 800 triệu USD nhưng diện tích quy hoạch chỉ có 11.250 ha. Hiện nay, diện tích tôm sú của Cà Mau là 268.750 ha nhưng Sóc Trăng chỉ đạt gần 1/10 (28.115 ha)”, ông Hòe nói.