Thực tế, việc xuất khẩu tiểu ngạch gạo sang Trung Quốc từ nửa cuối tháng 4/2015 đến nay tiếp tục gặp khó khăn do Trung Quốc cấm biên (không cho nhập khẩu tiểu ngạch) tại các cửa khẩu tiếp giáp giữa hai nước với lý do họ muốn thu thuế hàng nhập khẩu.
Cảnh báo vẫn mắc bẫy
Thống kê của Sở Công thương Lào Cai cho biết tại các kho chứa gần biên giới hiện tồn đọng hơn 20.000 tấn gạo, chưa kể số gạo còn nằm trên hàng trăm xe tải loại lớn ở các bãi tập kết hoặc đỗ tạm trên đường. Ước tính số gạo tồn đọng, ùn tắc tại Lào Cai gần 30.000 tấn. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã chọn được bốn điểm khác là Lũng Pô, Bản Quẩn, Na Lốc và một điểm nữa nhưng phía Trung Quốc không đồng ý...
Dễ nhận thấy, thực trạng này đối với mặt hàng gạo đã được các chuyên gia cảnh báo từ ngay từ tháng 3, trước tình hình xuất khẩu gạo nước ta sang thị trường Trung Quốc “bỗng dưng” nóng trở lại, tuy nhiên, chiêu bài cũ của Trung Quốc vẫn tiếp tục phát huy tác dụng và gây ra hậu quả mới đối với mặt hàng gạo.
Hàng ngàn tấn gạo bị ùn tắc ở cửa khẩu do Trung Quốc ép để thu thuế tiểu ngạch |
Thời điểm đó, thương lái Trung Quốc đã bắt đầu hỏi mua gạo với số lượng lớn. Đã có nhiều chủ vựa ký hợp đồng bán gạo với giá 5% tấm là 7.500-7.600 đồng/kg, trong khi giá trong nước chỉ 7.400 đồng/kg. Và GS.VS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đã e ngại: "Trước mắt đây có thể xem là một tín hiệu tốt thúc đẩy giá gạo lên nhưng chúng ta đã quá nhiều lần 'mắc bẫy' nên cũng cần phải thận trọng".
Trung Quốc đứng đầu danh sách trong việc ép giá, hủy hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tính ra, thương lái Trung Quốc bỏ ra thêm 20-30 USD trong khoản hưởng lợi 40-50 USD nhờ xuất khẩu tiểu ngạch để nâng giá thu mua lên là đã giết chết những DN Việt Nam bán chính ngạch. Chưa kể với mức “tăng ảo” giá thu mua của thương lái Trung Quốc tạo ra khiến mặt bằng giá trong nước tăng, DN xuất khẩu Việt Nam phải bán giá cao nhưng không ai mua.
Không ký được hợp đồng với các thị trường khác buộc DN Việt phải quay lại bán cho Trung Quốc để giải phóng tồn kho. Và một động thái “ho hắng” từ cửa khẩu như việc Trung Quốc muốn thu thuế hàng nhập khẩu hiện nay là hàng hóa Việt Nam ứ động, hư hỏng...
Tận dụng thế cờ
Chiêu bài ép giá từng được thương lái Trung Quốc nhiều lần áp dụng. Từ năm 2013, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực từng thừa nhận, Trung Quốc đứng đầu danh sách trong việc ép giá, hủy hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam.
Theo đó năm 2013 có tới 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy đến từ các đối tác Trung Quốc. Sau đó là các động thái trì hoãn nhập hàng với các hợp đồng còn lại và ép hạ giá xuống. Khi đó các DN đã nhập gạo về trong tư thế chuẩn bị xuất đi nên không có chuẩn bị cho kho bãi. Vì vậy dù bị ép giá nhưng vẫn phải chấp nhận bán lỗ.
Theo các chuyên gia, thực tế, dù con đường xuất khẩu tiểu ngạch có quá nhiều rủi ro nhưng việc cấm đoán cũng không đơn giản. Tuy nhiên hướng lâu dài Việt Nam phải hướng qua con đường chính ngạch và không nên mở rộng tiểu ngạch.
Trong vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, không chỉ ở lúa gạo mà nhiều mặt hàng khác, việc xúc tiến thương mại của Việt Nam còn rất yếu. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Công thương chưa có những chiến lược để đòi hỏi các DN xuất khẩu gạo cũng như nông sản có chất lượng.
Theo GS Võ Tòng Xuân, bản thân TQ đang phụ thuộc VN. Họ không có đủ lương thực, thực phẩm, lúa gạo vì theo ước tính của các nhà kinh tế đến năm 2020 TQ sẽ thiếu ăn, thiếu nguồn lương thực ít nhất là 10 triệu tấn. Việt Nam phải tận dụng “thế cờ” này để điều chỉnh, không nên bán giá quá thấp để nông dân bị thiệt hại mà phải đặt điều kiện mua bán chứ không thể cầu cạnh Trung Quốc. Đồng thời, chất lượng của các sản phẩm cũng cần được chấn chỉnh, chế biến các sản phẩm có chất lượng để bán giá cao hơn, ở các thị trường cao cấp hơn...