Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm nay sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019.
"Xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu đi xuống, sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường", VASEP nhận định.
Ngành thủy sản có thể tìm kiếm cơ hội ở một số thị trường trong 3 tháng cuối năm. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Cụ thể, Mỹ và EU được dự báo là thị trường lạc quan cho ngành tôm, đặc biệt là tôm chân trắng, bởi sản phẩm này có xu hướng tiêu thụ tốt ở các kênh bán lẻ.
Bên cạnh tôm, các mặt hàng cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhuyễn thể cũng được hưởng thuế suất 0% nhờ hiệp định EVFTA. VASEP cho rằng đây sẽ là đòn bẩy cho hoạt động xuất khẩu những nhóm hàng này sang EU trong các tháng cuối năm, nếu doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và biết cách tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Riêng đối với Mỹ, đại diện ngành thủy sản trong nước cho rằng có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.
Dự báo cho thị trường Trung Quốc, VASEP tin tưởng nhu cầu sẽ hồi phục trong 3 tháng cuối năm, khi nguồn cung nội địa của nước này tiếp tục sụt giảm do tình hình dịch Covid-19. Trong khi đó, các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ duy trì ổn định và tăng trưởng tốt đối với ngành tôm.
Nhìn chung, 3 tháng cuối năm, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm có thể tăng 9%, đạt 1,1 tỷ USD; hải sản cũng tăng 7,5%, đạt 854 triệu USD. Riêng xuất khẩu cá tra giảm 31%, chỉ còn mức kim ngạch 365 triệu USD.
Với những dự báo này, xuất khẩu thủy sản cả năm nay có thể giảm 4% so với năm 2019, còn 8,23 tỷ USD.
Trước đó, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, con số này đạt gần 6 tỷ USD, giảm 4%.