Hơn 1 tháng nay, nhiều chủ nhà vườn trồng mít Thái đứng ngồi không yên vì giá loại mít này đang tiếp tục lao dốc về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chị Hoàng Nguyên - Vựa mít Lan Như ở Đắk Lắk - cho biết giá mít ngày 25/11 cắt ở vườn còn 4.000-5.000 đồng/kg, loại quả 6 kg trở lên. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
"Giá mít Thái phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện, việc đưa mít qua cửa khẩu rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Bình thường tôi sẽ cân đối độ lạnh để mít sang đến Trung Quốc sẽ vừa chín nhưng hiện nay tình hình thông quan mất nhiều ngày sẽ khiến hàng hóa bị hư hỏng", chị nói và cho rằng với mức giá này và tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nông dân trồng mít sẽ thua lỗ nặng.
Trong khi đó, chủ vựa mít Quân ở Hậu Giang cho biết tại đây giá mít xô tại vườn đang giảm còn 6.000-9.000 đồng/kg, mít chợ có giá chỉ 2.000 đồng/kg.
Tương tự, anh Lê Văn Quốc - chủ vựa mít Quốc Tuấn ở Hậu Giang - cũng thừa nhận giá mít đang giảm sâu và đang có xu hướng tiếp tục giảm.
"Vì cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thông báo đóng cửa 10 ngày, cửa khẩu Tân Thanh đóng cửa 1 ngày để xét nghiệm Covid-19 toàn bộ người dân Trung Quốc nên hôm nay tất cả hàng hóa đều không thể thông quan qua các cửa khẩu", anh nói.
Mít Thái đang có xu hướng giảm mạnh vì xuất khẩu gặp khó, cung vượt cầu. Ảnh: Việt Tường. |
Anh Quốc cho biết sáng 25/11 giá mít loại 1 là 15.000 đồng/kg đến chiều cùng ngày giá rớt còn 5.000-8.000 đồng/kg. Giá mua tại vườn sẽ thấp hơn 2.000-4.000 đồng/kg vì qua nhiều khâu trung gian.
Theo chủ vựa này, nguyên nhân chính khiến giá mít Thái cũng như các mặt hàng nông sản giảm giá sâu là do tắc nghẽn nghiêm trọng ở cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. "Không xuất qua được, hàng hóa hư hỏng nhiều khiến giá liên tục giảm", anh nói.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ trong nước kém, cung vượt xa cầu cũng khiến giá nông sản giảm. Trước đó, ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - cho biết 3 năm trước toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 750 ha mít Thái. Do trồng loại nông sản này cho lợi nhuận cao, dễ chăm sóc nên nông dân mở rộng diện tích lên 7.000 ha.
“Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân giảm tốc độ phát triển diện tích trồng mít. Việc này đã khuyến cáo lâu rồi nhưng người dân thấy lợi nhuận cao nên chúng tôi cản không nổi. Giá mít có lúc tăng lên 50.000-60.000 đồng/kg. Trái mít 20 kg có thời điểm bán được trên 1 triệu đồng”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - vì Trung Quốc theo đuổi mục tiêu Zero Covid nên công đoạn kiểm tra hàng hóa, nông sản ở các cửa khẩu rất kỹ khiến việc thông quan bị chậm, giá cũng vì thế mà giảm theo.
Ông Nguyên cho rằng việc Trung Quốc ban hành Lệnh 248-249 cho thấy đời sống người dân đất nước này ngày càng cao đòi hỏi chất lượng hàng hóa cũng phải nâng cao hơn trước.
"Trước đây, ở Việt Nam việc tổ chức sản xuất áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap còn hạn chế khoảng 20-30% diện tích. Nhưng khi Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn mới, các doanh nghiệp phải tăng cường mô hình này và chú trọng an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác...", ông nói và đánh giá việc Trung Quốc ban hành 2 lệnh mới này sẽ đưa sản xuất Việt Nam vào khuôn khổ.
Những năm trước, việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc chủ yếu theo nhu cầu thị trường, thuận mua vừa bán. Bên cạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch còn phổ biến buôn bán tiểu ngạch.
Tính đến tháng 10/2021, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc ước đạt 7,5 tỉ USD, chiếm 19,3% thị phần, là thị trường lớn thứ 2 về giá trị của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu mít tiếp tục vượt lên vị trí thứ 4 trong số các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (sau thanh long, xoài và chuối), với kim ngạch đạt gần 52 triệu USD, tăng 66,1% so với cùng kỳ năm 2020.