Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy trong tháng 9 đạt hơn 5,5 triệu USD, tăng gần 8.600% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục, hiếm có trong lịch sử xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam", VASEP nhìn nhận.
Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm từ cá ngừ đại đương để xuất sang EU. Ảnh: An Bình. |
Các doanh nghiệp trong ngành đánh giá EVFTA là lý do thúc đẩy tăng trưởng này. Từ ngày 1/8 khi hiệp định có hiệu lực, các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam, đặc biệt là thịt/thăn cá ngừ vây vàng hấp đông lạnh, được miễn thuế theo hạn ngạch hơn 4.791 tấn khi xuất khẩu sang EU đến hết ngày 31/12.
Trước đó, mặt hàng này chịu mức thuế 20,5% theo hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU. Điều này khiến cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam không thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại từ Ecuador hay Solomon, các nước đang được miễn thuế khi xuất khẩu sang thị trường EU.
Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn cung cá ngừ từ các nước này bị hạn chế, các nhà nhập khẩu cá ngừ của EU, đặc biệt là tại các nước có ngành sản xuất cá ngừ đóng hộp phát triển như Italy, bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Việc thực thi EVFTA đã tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Trong tháng 9, giá FOB bình quân của các sản phẩm thịt/thăn cá ngừ vây vàng hấp đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Italy dao động ở mức 6,6 USD/kg. Còn giá CIF bình quân của các sản phẩm thịt/thăn cá ngừ đông lạnh cũng đạt khoảng 4,6 USD/kg.
Theo ghi nhận của VASEP, từ đầu năm đến nay có 12 doanh nghiệp trong nước xuất khẩu cá ngừ sang Italy. Trong đó, dẫn đầu là Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Long Nha Trang, Công ty CP Vịnh Nha Trang, Công ty CP Thuỷ sản Bình Định và Công Ty TNHH Cá ngừ Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của 4 công ty này chiếm hơn 91% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Italy trong 9 tháng đầu năm.