Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất hiện chợ rắn di động ở Biên Hòa

Trong những ngày qua ở TP.Biên Hòa -Đồng Nai, nhiều điểm bán rắn mọc lên dọc đường Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi.

Xuất hiện chợ rắn di động ở Biên Hòa

Trong những ngày qua ở TP.Biên Hòa -Đồng Nai, nhiều điểm bán rắn mọc lên dọc đường Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi.

Một người bán rắn trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần ngã tư Tân Phong giới thiệu: “Rắn lãi, rắn nước, rắn lục hay hổ mang, muốn loại nào cũng có. Nhưng con càng hiếm thì giá càng cao”. Với một con rắn lãi, rắn nước chỉ chừng 50-200 ngàn đồng/con, nhưng với các loại rắn độc nổi tiếng, như: cạp nong, cạp nia hay hổ mang giá từ 500 ngàn/kg đến hàng triệu đồng/con.

 

Những người bán rắn luôn miệng quảng cáo đây là “linh vật”, hợp với “mạng” của người tuổi Tỵ nên nếu mua rắn nuôi trong nhà thì sang năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công.

Anh Lê Dư, nhà ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), tuổi Tỵ, khi được người quen nhắc năm sau là năm tuổi, nên anh có thể gặp vận hạn. Để giải bớt “xui xẻo”, có người mách nước là anh Dư phải tìm mua một con rắn và chăm sóc chu đáo thì mới mong phúc đến, họa đi. Mang tư tưởng “có kiêng có lành”, anh Dư đã bỏ cả buổi trời rong ruổi tìm mua cho bằng được một con rắn như ý.

Thực ra, những người tin vào số mệnh như anh Dư không phải hiếm. Chính vì thế, bước vào năm mới 2013, dư luận ở TP.Biên Hòa cũng như các tỉnh, thành lân cận, nhất là TP.Hồ Chí Minh bàn tán xôn xao, thậm chí đan dệt nên những câu chuyện rằng, nếu sở hữu rắn trong nhà thì chủ nhân làm ăn sẽ phát đạt. Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi chứng kiến hàng chục người đến hỏi mua rắn tại một điểm bán trên lề đường Đồng Khởi.

Thực tế, cũng có nhiều người không tin khi nuôi rắn trong nhà sẽ mang lại vận may. Chẳng hạn trường hợp anh Trần Duy Hà, ngụ ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), mua con rắn sữa sọc vàng giá 1,2 triệu đồng. Cầm con rắn trên tay anh Hà vui vẻ cho biết: “Thấy rắn đẹp, thích thì lấy thôi. Con rắn này tên khoa học là milk snake, hiền lắm lại hiếm, tôi mua giá này là khá rẻ, nếu ở TP.Hồ Chí Minh chắc không có giá đó”.

Một số người khi đến các điểm mua rắn vệ đường chủ yếu đem về… thịt trong ngày đầu năm cho có không khí… “tỵ”. Không ít người nghe chuyện nuôi rắn cầu may, đã không ngần ngại nói: “Năm Quý Tỵ đổ xô đi mua rắn hòng lấy hên, không biết đến những năm khác, như: Thìn, Dần thì những người cầm tinh tuổi ấy sẽ tìm đâu ra loài thú đó để nuôi?”.

“Chợ rắn” di động

Những người bán rắn tại TP.Biên Hòa cho hay, thời gian gần đây có nhiều người tới hỏi mua rắn và gần như loại nào cũng hỏi đến. Biết được nhu cầu này, các “chợ rắn” bắt đầu mọc lên trên vỉa hè các con đường lớn trong thành phố. Cũng bởi vì tính manh mún và tạm bợ nên cả người bán rắn lẫn người mua đều ít nghĩ tới chuyện an toàn. Đương nhiên, người bán đều biết rắn là một trong những loài thú hoang dã cần bảo vệ nên họ thường xuyên chuyển chỗ để tránh sự dòm ngó của cơ quan chức năng.

 

Rắn được bày bán công khai trên đường phố TP.Biên Hòa.

Trừ những shop bán thú cưng thường đựng rắn kỹ lưỡng trong các hộp thủy tinh, lưới sắt, còn những “chợ rắn” ven đường đều bỏ rắn trong túi lưới bằng nhựa rất sơ sài, kể cả loại rắn độc như hổ mang, cạp nong. Khi có khách muốn xem, người bán liền dùng gậy chọc cho rắn hổ phùng mang thở phì phì để xác định đây là loại gì. Kể cả lúc người mua muốn xem kỹ hơn, rắn sẽ được lôi ra khỏi túi lưới, bất chấp sự an toàn cho người khác. Đối với những “thợ rắn” chuyên nghiệp thì việc bắt loài động vật đáng sợ này không khó khăn gì, song cũng có người bán rắn chưa thạo cả động tác giữ cho rắn không bò đi.

Một buổi sáng, trong lúc đứng xem người đến mua rắn, chúng tôi chứng kiến một chủ hàng là phụ nữ luống cuống khi con rắn cạp nong đang được bà giữ bằng tay chợt trườn đi mà không biết làm sao bắt lại. Cũng may một “đồng nghiệp” bên cạnh nhanh tay tóm lấy. Sau một lúc mới lấy lại bình tĩnh, người phụ nữ kể: “Vì ông chồng bận nên tôi đi bán thay. Từ trước đến giờ nhìn thấy rắn là tôi muốn xỉu, nói gì đến chuyện bắt nó!”.

Theo điều 190 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nêu rõ: Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Theo đó, rắn hổ mang chúa thuộc danh mục 1B Công ước CITES, nhóm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại; rắn hổ mang thường thuộc danh mục 2B, nhóm hạn chế khai thác sử dụng…

Theo Đồng Nai Online

Theo Đồng Nai Online

Bạn có thể quan tâm