- Sau 40 năm trong nghề, nay mới có đêm diễn riêng liệu có phải là quá muộn với anh?
- Nếu không có những người bạn lớn khích lệ và tự nguyện trong vai trò Mạnh Thường Quân thì tôi cũng không dám nghĩ đến một đêm diễn đánh dấu 40 năm sự nghiệp của mình. Nói thật là như vậy!
Một đêm diễn để đời, là nghệ sĩ, ai không mơ ước. Tôi cũng nuôi giấc mơ này cả thập kỷ rồi đấy.
Nhưng liệu mấy người may mắn như tôi, có được sự hậu thuẫn to lớn xuất phát từ sự chân thành, trân trọng những đóng góp của tôi cho vốn quý của dân tộc - đó là chèo, là xẩm, là quan họ, là những món ăn tinh thần mang hồn cốt Việt Nam.
- Trong buổi diễn đặc biệt đánh dấu 40 năm ấy sẽ có nhiều khách mời nổi tiếng khóc cười cùng Xuân Hinh, anh có sợ sẽ bị lu mờ?
- Đương nhiên là không! Nếu nhiều thời gian để tập thêm, tôi còn muốn mời thêm nhiều bạn diễn nữa cơ, chứ không phải chỉ có Thanh Thanh Hiền, Hồng Vân, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Thắng, rồi Tùng Dương, Bằng Kiều, Hoài Thu, Thu Huyền, Xuân Nghĩa…
Tôi muốn bữa tiệc 40 năm của mình phải thật thịnh soạn, nhiều thế hệ cũng cất lên tiếng lòng của những nghệ sĩ vì quê hương, giữ gìn vốn quý của dân tộc.
Và “con hơn cha là nhà có phúc” - các cụ chả dạy thế là gì? Các nghệ sĩ được mời đều là em, là cháu, có nghệ sĩ trẻ tuổi chỉ bằng con tôi. Nếu các em toả sáng, chẳng phải là điều đáng mừng sao? Tôi phải mừng là vẫn còn đủ nhiệt huyết để đứng chung sân khấu với họ mới đúng đấy.
NSƯT Xuân Hinh. Ảnh: FBNV. |
- Bốn mươi năm làm nghề mới có live show "Xuân Hinh - Kẻ chọc cười dân dã". Anh có thể bật mí về những điều anh ấp ủ khi thực hiện live show này?
- Tôi có rất nhiều điều ấp ủ. Nghệ thuật dân tộc đang gặp nhiều khó khăn. Những khán giả trẻ đang không thực sự mặn mà với nghệ thuật dân tộc nên chính vì thế nó đang bị mai một.
Nhưng tôi muốn khẳng định nghệ thuật dân tộc là của quý, có người quý ít và có người quý nhiều nhưng chừng nào người Việt không còn thì nghệ thuật dân tộc mới mất đi được.
Live show này là cố gắng của tôi và các cộng sự, dù chỉ là một chút thôi, để tiếp tục mang tới tình yêu nghệ thuật dân tộc cho các bạn trẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hay, đặc sắc, sáng tạo và bùng nổ với sự kết hợp tài tình giữa truyền thống và hiện đại để mang một hơi thở mới cho nghệ thuật dân tộc.
Tôi không dám nói tới những điều to tát, nhưng chúng tôi cố gắng chăm chút cho từng tiết mục để mang tới không gian hoàn toàn mới và cảm nhận mới về nghệ thuật dân tộc với những sáng tạo thoải mái, hết mình.
- Quê hương Kinh Bắc ảnh hưởng như thế nào với Xuân Hinh hôm nay?
- Tôi may mắn được sinh ra ở Kinh Bắc, nơi có những làn điệu dân ca ngọt ngào, có chèo, có hát xẩm, hát văn… đã in sâu vào tâm trí từ ngày còn rất bé.
Ở vùng quê mà nhà nhà hát, người người hát, hát mọi nơi mọi lúc thì bạn sẽ rất khó để không lẩm nhẩm hát theo. Nhất là với một người như tôi, thích nghe hát từ bé và gần như thuộc ngay những làn điệu dễ nhớ, bởi tất cả bắt nguồn từ dòng sữa quê hương mộc mạc, chân tình, giàu cảm xúc.
Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền trên sân khấu. Ảnh: NVCC. |
- Anh yêu quan họ thế mà bây giờ lại thành Xuân Hinh hề chèo ?
- Vì tính tôi nó thế đấy. Không bao giờ thoả mãn với cái gì mình đang có. Cứ phải thay đổi, cứ phải mày mò, làm mới cả những cái đã cũ, đã làm mãi đi rồi. Chỉ có vợ là nhất định không thay thôi!
Tôi có 7 năm công tác tại đoàn quan họ Bắc Ninh đấy chứ. Nhưng rồi, thấy trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh lần đầu tiên tuyển sinh khoa chèo, thế là khăn gói quả mướp ra học. Càng học càng mê, càng mê càng nghiện. Chèo nó ngấm vào tôi từ lâu rồi thì phải.
- Ngày đó, bố mẹ anh nói gì khi anh cứ đi học mãi?
Bố mẹ tôi đông con lắm, nên nghèo. Mẹ tôi là người đàn bà giỏi thu vén, nhanh nhẹn và tháo vát, đúng kiểu người Kinh Bắc.
Cho dù gia đình có túng thế nào nhưng khi bố tôi có bạn tới chơi thì mọi sự đều tươm tất. Con cái cũng thế, bà cố gắng cho ăn học hết sức có thể. Khi tôi muốn theo con đường nghệ thuật, bà cũng chỉ động viên.
Hình ảnh mà tôi nhớ mãi, đó là lần tôi về xin mẹ 20 nghìn đồng. Bà không nói gì. Tôi biết bà không có tiền, chắc là không vay được nữa. Hôm sau, lúc tôi đã ra bến xe để về Hà Nội học, mẹ tôi tất tả chạy đến, trên vai là đôi quang gánh rỗng. Bà thở gấp vì vừa tận mãi trên bến về.
20 nghìn gói chặt trong chiếc túi vải giắt cạp quần. Hóa ra từ mờ sáng, bà đã lội ao bèo vớt cho được 4 gánh đầy, quẩy xuống chợ bán. 4 lần đi rồi về như thế, được chẵn 20 ngàn đồng - đủ cho tôi đi Hà Nội.
Hai mẹ con chia tay nhau tại bến xe. Mẹ gánh đôi quang gánh rỗng đi rồi, tôi ngồi trên xe về Hà Nội nuốt nước mắt ầng ậc vào trong. Thấy mình vô tích sự khi vẫn còn ăn bám mẹ để đi học. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi xin tiền mẹ.
Từ tuần ấy, tôi theo bạn bè tập tọng đi buôn bán lấy tiền trang trải việc học. Tôi buôn đủ thứ, từ quần áo, đồ dùng, kim chỉ cho người vùng cao, măng miến, mộc nhĩ, chó mèo, lợn gà xuôi xuống… cho tới cả vàng.
Tôi vào rất sâu trong rừng, đổi áo quần, mắm muối cho dân để lấy vàng cám mà họ đãi được ở suối, mang về cho ông thợ kim hoàn ngay gần trường. Ấy đấy, những bài học về việc phân biệt vàng thật giả bây giờ tôi còn thuộc đấy.
- Sau rất nhiều năm thăng trầm, hẳn giờ bố mẹ anh chắc rất tự hào với sự nổi tiếng của con trai?
- Tôi đi buôn, đủ trang trải học hành mấy năm tại Hà Nội và còn để ra được chút ít. Vừa lúc ấy, bố tôi bị tai biến, cấp cứu vào viện nhưng không qua khỏi. Ông mất khi con chưa thành danh.
Bố tôi chưa bao giờ được xem một buổi biểu diễn nào của tôi. Đến tận khi mất, đối với ông, tôi vẫn là nỗi quan tâm lo lắng khiến ông bận lòng…
Còn mẹ tôi, dần dần bà đỡ vất vả, nhưng cuộc sống buồn hơn vì bố tôi đã mất. Bà vui vì con nổi tiếng nhưng cũng luôn dặn tôi làm gì cũng phải nghĩ trước nghĩ sau, ý là nổi tiếng nhưng đừng tai tiếng!
Mẹ tôi có đi xem tôi biểu diễn vài lần, rất ít. Những chỗ sáng ánh đèn sân khấu không hợp với bà. Bà xem đĩa hề chèo của tôi nhiều hơn.
Hình ảnh đời thường giản dị của "vua hài đất Bắc". Ảnh: FBNV |
- 40 năm mang niềm vui cho khán giả, những hình ảnh nào của người xem khiến anh nhớ nhất?
- Tôi là người nhà quê. Cho dù giờ có ở nhà Tây, con cái học ở Tây, và đi Tây cũng nhiều thì tôi vẫn cứ là một anh nhà quê. Thế nên, tôi thích nhất là về những vùng quê diễn. Tôi yêu khán giả quê lắm.
Sân khấu quê đơn sơ, bà con ăn cơm cho sớm kéo đến để còn xem tôi bằng da bằng thịt, rồi sờ mó, ngắm nghía, bình phẩm: trẻ nhỉ, tưởng già cơ, béo ra phết, đầu trọc quá… Rồi chụp ảnh cùng:
- Con ơi, cho mẹ chụp với con kiểu ảnh. Mẹ đi 15 cây số đến đây đấy!
- Dạ, mẹ năm nay bao nhiêu?
- Mẹ 53 rồi, lần đầu tiên được xem Xuân Hinh ở ngoài đấy.
- Thưa mẹ, con hơn tuổi mẹ đấy ạ! Nào, mời mẹ chụp ảnh!
Đấy, bảo sao không thương, bảo sao không nhớ!