Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuân Hinh không được NSND vì có kiện cáo

Có cái dở là Xuân Hinh hay có những đơn từ về lối diễn xuất. Khi thăng hoa lên là lại tự biên tự diễn các lời thoại, mà họ cho là “thô”...

Xung quanh những lùm xùm xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt này, NSND Lê Ngọc Cường đã có một cuộc trò chuyện cởi mở. Rất nhiều những góc khuất và những mâu thuẫn nội bộ xung quanh việc xét giải đã được ông thẳng thắn chia sẻ.

"Căng" nhất là ở hội đồng cấp cơ sở

- Thưa ông, từng nhiều năm ngồi ghế hội đồng và hiện tại vẫn đang là thành viên hội đồng các cấp, ông có thể lý giải vì sao xét qua nhiều cấp như thế mà vẫn có nhiều nghệ sĩ "kêu oan", phong danh cho những người thiếu tài năng như thế?

- Không phải đợt này mà đợt nào cũng có những thắc mắc. Gặp nhiều nhất là chuyện, sao tôi/họ tên tuổi thế mà không được? Nhưng xét thì vẫn phải qua các tiêu chuẩn "cứng" được Bộ đề ra. Tên tuổi thì có, nhưng huy chương lại không đủ thì xét thế nào?

NSND Lê Ngọc Cường, thành viên hội đồng xét duyêt danh hiệu NSƯT, NSND.

- Có vẻ như trong hội đồng cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Chẳng hạn như ông Lê Tiến Thọ- nguyên thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, thành viên của hội đồng xét giải năm nay lại có quan điểm khác với ông, rằng: "có những người không đủ huy chương nhưng căn cứ vào độ lan tỏa của họ thì vẫn được nâng lên"...

- Thì trường hợp đó cũng có, nhưng hãn hữu lắm! Nói chung, các thành viên hội đồng đều là những người có tâm, tạo điều kiện cho ai được là bảo vệ hết mình  thôi. "Căng" nhất, khắt khe nhất là ở hội đồng cấp cơ sở vì ai cũng muốn được đề nghị. Còn khi đã đưa lên hội đồng cấp trên thì gần như là được hết. Hãn hữu mới bị loại thôi.

- Nói là không đủ huy chương thì không được xét, nhưng danh sách hàng năm thì vẫn ghi nhận rất nhiều NSND là quan chức và lãnh đạo đoàn. Mà sang làm lãnh đạo thì không còn làm chuyên môn nữa, hoặc nếu có làm thì cũng được "ưu tiên" hơn nghệ sĩ. Ông có thấy đó cũng là bất cập?

- Cái đó ở bên sân khấu thì cũng có. Chẳng hạn như vừa rồi cũng có một lãnh đạo được xét NSND (xin giấu tên, dù nhân vật nêu đích danh) nhưng khi xét ở hội đồng cơ sở lại không được. Bởi khi còn lãnh đạo nhà hát thì thường là họ được đứng tên đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, nhưng về thực chất là chỉ ở vai trò quản lý thôi.

Nếu đấu tranh thì phải làm từ lúc đó, chứ không phải đợi đến khi xét tặng mới có ý kiến. Căn cứ vào giấy tờ, giải thưởng đã trao thì rõ ràng là họ có tên, phải xét danh hiệu cho họ chứ. Cái này xảy ra không phải một mà là nhiều người, nhiều nơi cũng có chung tình trạng này.

Nghệ sĩ Thúy Cải khi còn trẻ.

Hay như trường hợp của NSND Nguyễn Anh Dũng, lẽ ra là xét từ đợt trước chứ không phải đợi được đặc cách khi anh đã mất rồi. Nhưng khi xét thì cũng vì lý do "tế nhị" mà không được thôi, chứ về tài năng là xứng đáng.

Rồi như Thúy Cải và Quý Tráng, linh hồn của quan họ. Gặp các cụ trong làng thì chỉ công nhận Thúy Cải-Quý Tráng là "liền anh, liền chị" thôi. Ấy vậy mà khi xét thì Thúy Hường - thế hệ sau lại được NSND, còn hai tên tuổi của làng quan họ kia lại trượt. Tôi nghe mà cũng thấy giật mình ngỡ ngàng.

Như ở bóng đá cũng thế, biết xử oan mười mươi mà không làm gì được. Hoặc xem các game show truyền hình thực tế, giải thưởng trông chờ vào tin nhắn bình chọn của khán giả thì làm sao mà khách quan được. Những bất cập là có và có biết, nhưng để hài lòng hết tất cả mọi người thì hiện vẫn chưa có giải pháp nào tối ưu hơn.

Có nghệ sĩ kề dao vào lãnh đạo

- Mới đây, nghệ sĩ múa Tuyết Minh- chuyên viên phòng nghệ thuật- Cục nghệ thuật biểu diễn có làm đơn kiến nghị cho rằng, Hội đồng xét duyệt đã thiếu công tâm, khiến cho nghệ sĩ này thừa tiêu chuẩn vẫn không được xét. Là người nằm trong hội đồng này, xin ông lý giải về trường hợp của nghệ sĩ Tuyết Minh?

- Trường hợp của nghệ sĩ Tuyết Minh thì tôi hiểu khá rõ. Đó là nghệ sĩ có tài, thông minh. Tôi vẫn mời cô ấy tham gia dựng vở trong các chương trình mà tôi làm đạo diễn. Danh hiệu NSƯT chỉ quy định có 2 vàng thì cô ấy 12 vàng, 11 bạc. Tức là quá thừa tiêu chuẩn.

Nhưng vấn đề của Tuyết Minh không nằm ở tài năng mà là ở văn hóa ứng xử. Trước đó đã từng xảy ra vài chuyện ầm ĩ ở cơ quan, rồi sau đó lại liên quan đến đoàn múa Khám Phá mà Tuyết Minh có tham gia.

Nghệ sĩ Tuyết Minh không tránh khỏi bức xúc khi bị gạt tên ra khỏi danh sách đợt này.

Tuy nhiên, khi ra hội đồng cấp Bộ, người phản đối Tuyết Minh mạnh mẽ nhất lại chính là NSND Nguyễn Công Nhạc chứ không phải ông Nguyễn Đăng Chương, lãnh đạo của Tuyết Minh. Ông nói, "nếu cần thì cứ ghi ý kiến của tôi vào biên bản, bởi vì đó là vấn đề về đạo đức, cần phải rút kinh nghiệm".

Ông Hải Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng là người bảo vệ các nghệ sĩ rất nhiều. Với nghệ sĩ Tuyết Minh, ông rất thông cảm vì nghề múa vất vả lắm. Nhưng đến lần này, chính Thứ tưởng cũng có nhiều băn khoăn về Tuyết Minh, rằng "nếu có đưa lên thì ở hội đồng cấp trên người ta cũng gạt đi thôi, thành ra lại mang tiếng cái hội đồng này”.

Cô ấy còn trẻ, còn có nhiều cơ hội phấn đấu và rèn luyện thêm về ứng xử. Chứ cứ đi kiện cáo như thế này là không được.

- Với nghệ sĩ, người ta vẫn hay quan niệm rằng, điều quan trọng nhất là tác phẩm. Nghệ sĩ thì cá tính, cái tôi vốn rất mạnh, nếu đặt nặng quá thì người tài mà cá tính sẽ "rụng" hết...

- Danh hiệu là xét tất cả các mặt, trong quy chế đã quy định rất rõ về tài năng và phẩm chất đạo đức rồi. Tôi cho sự thay đổi ở lần thứ 8 này có lợi cho nghệ sĩ, ai chưa đủ huy chương thì được quy đổi, 3 bạc thành 1 vàng. Như thế là rất mở rồi.

- Nghệ sĩ Tuyết Minh nói, Cục nghệ thuật biểu diễn quy cô ấy vi phạm quy chế, nhưng về mặt văn bản hay quyết định thì không có. Ông có cho rằng như thế là chưa đủ cơ sở để gạt ra khỏi danh sách xét tặng không?

- Nếu để kỷ luật thì tôi nghĩ là anh Chương làm được ngay, nhưng như thế thì thành "án" cho nghệ sĩ phải mang theo cả cuộc đời. Về tình thì không ai nỡ làm thế.

Tôi đã từng tham dự một cuộc họp tổng kết năm ở một nhà hát khi còn là Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn. Buổi họp có cả Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL tham dự. Vậy mà một nghệ sĩ đã đứng lên chửi té tát lãnh đạo đoàn mình.

Sau đó còn cho người nhà mang dao đến dọa giám đốc. Những trường hợp như thế, khi xét duyệt thì để “bỏ qua” cho nhau là rất khó, vì lãnh đạo đoàn họ lại nằm trong hội đồng.  Nó có cái rích rắc, tế nhị như thế đấy mà không phải ai cũng hiểu được.

Vẫn có người không muốn Xuân Hinh được NSND

- Thế còn trường hợp của nghệ sĩ Xuân Hinh cũng bị trượt lần này thì sao, thưa ông?

- Xuân Hinh là một người rất giỏi. Về chèo thì khó ai qua được. Có lần tôi đưa đoàn đi biểu diễn ở châu Âu, khán giả ở bên đó mê Xuân Hinh đến mức chính tôi cũng ngạc nhiên. Mang đĩa sang bán, cứ 5 USD một cái mà bán không kịp. Sau phải mua thêm đĩa trắng để in sao sang.

Nhưng bên cạnh đó cũng có cái dở là Xuân Hinh hay có những đơn từ về lối diễn xuất. Khi thăng hoa lên là lại tự biên tự diễn các lời thoại, mà họ cho là “thô”.

Ở lần xét duyệt trước, tại hội đồng Nhà nước chuyên ngành sân khấu, tôi và một số người cũng bảo vệ cho Xuân Hinh. Cứ nghĩ là "êm" rồi nhưng khi bỏ phiếu thì vẫn có người không đồng ý, dù lúc lấy ý kiến thì không nói gì.

Nghệ sĩ Xuân Hinh lần thứ 2 trượt danh hiệu NSND.

- Từ các trường hợp mà ông vừa nêu, theo ông, ở đây có yếu tố cá nhân không?

- Vẫn có chứ, ở đâu cũng thế thôi, nhưng không đến mức lộ liễu.

- Như chuyện ông vừa kể, NSND Nguyễn Công Nhạc phản đối nghệ sĩ Tuyết Minh về vấn đề đạo đức, trong khi ông ấy không phải là người ở Cục nghệ thuật biểu diễn, không biết rõ nội tình thực hư ra sao nhưng vẫn phải đối. Như thế chẳng phải là nghe một tai thôi sao?

- (ngập ngừng) Ai chứ với anh Nguyễn Công Nhạc thì tôi tin là người công tâm, thẳng thắn chứ không cảm tính đâu. Trong nghề, anh là người chỉ có đam mê công việc, không có ham mê nào khác.

- Thế còn chuyện "chạy" từ bạc muốn lên vàng ở các kỳ hội diễn thì sao?

- Chuyện đó thì tôi không rõ lắm, nhưng có thực tế thế này: Khi hội diễn, đương nhiên là các đoàn T.Ư sẽ hơn đoàn tỉnh. Cho nên mới có quy định từ thời anh Lê Tiến Thọ làm Thứ trưởng, là các đoàn không được vượt quá 30% huy chương. Nếu không thì họ sẽ ẵm hết hết huy chương của hội diễn, và đoàn tỉnh thì khó có cơ hội đoạt giải. Dù có thể HCV của đoàn tỉnh không bằng cái bạc của đoàn T.Ư, nhưng nó mang tính khuyến khích, động viên cho nghệ sĩ ở cơ sở để họ còn hoạt động nghề.

Chuyện nhờ "quan tâm giúp đỡ" là có

- Giám khảo ở cuộc thi nào cũng khó tránh những cuộc điện thoại, tin nhắn nhờ giúp đỡ... Ông ngồi ở ghế hội đồng nhiều năm chắc cũng không tránh được những lúc thế này?

- Thường thì tôi cũng có nghe được rằng, "chúng em có vở này, nhờ thầy quan tâm nhé". Nghe thì mình cứ ừ thế thôi. Rồi quy định là không được tiết lộ khi xét giải, nhưng vừa họp xong đã có ông khoe là "tao ủng hộ mày đấy", dẫn đến người được thì mừng, còn người không được thì bức xúc ngay từ khi còn chưa công bố danh sách chính thức.

- Đã có ý kiến nói rằng, nếu cứ đua tranh, mất đoàn kết kiểu này thì nên bỏ danh hiệu này đi. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi không cho đó là giải pháp. Danh hiệu vẫn là sự ghi nhận cao nhất của nhà nước dành cho nghệ sĩ, dù cho nó không mang giá trị vật chất lớn. Hiện chỉ có vài tỉnh có ưu đãi với danh hiệu, như tỉnh Phú Yên cấp đất cho nghệ sĩ đoạt danh hiệu NSND. Hay như ca sĩ Cẩm Vân được thành phố cấp cho cái nhà, Ninh Bình tăng bậc lương...

- Như ông thì ngày xưa có có được ưu đãi, cấp đất không?

- Không có. Cái nhà này mua được cũng là từ làm đạo diễn, lao động mà có thôi. Còn giải thưởng thì có khi khao anh em còn không đủ.

http://giadinh.net.vn/giai-tri/xuan-hinh-khong-duoc-nsnd-vi-co-kien-cao-2015072414475836.htm

Theo Thanh Hà/Báo Gia đình & Xã hội

Bạn có thể quan tâm