Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuân Bắc: ‘Tôi không thỏa mãn hết những gì con muốn’

Chàng diễn viên hài cho biết anh học hỏi được rất nhiều điều từ các em nhỏ sau hành trình tham gia Bố ơi, mình đi đâu thế?.

- Kết thúc mùa 2 của Bố ơi, mình đi đâu thế? Bi Béo ước được tiếp tục tham gia mùa 3, đó cũng là mong muốn của nhiều khán giả. Tại sao anh lại không chiều theo ý của con trai mình?

- Tôi không muốn nói lý do vì sao bố con tôi không tham gia mùa 3 vì mỗi sự vật, hiện tượng đều phụ thuộc vào những hoàn cảnh nhất định. Giống như chiếc ô tô trên đường, chúng ta không thể lý giải là tại sao nó đang chạy hay nó đang dừng.

Hành trình của bố con tôi ở Bố ơi, mình đi đâu thế? dừng lại vì đơn giản là mùa 2 đã kết thúc, giống như một vòng quay, hết thì phải dừng chứ không thể đi tiếp được. Còn về việc tại sao Bi Béo ước muốn được tham gia mùa 3 mà cuối cùng bố con tôi lại không tham gia thì tôi chỉ muốn nói rằng, tôi sẽ không thỏa mãn hết những gì con muốn.

Xuan Bac khong thoa man tat ca con muon anh 1
Xuân Bắc và Bi Béo vừa vừa kết thúc hành trình Bố ơi, mình đi đâu thế? mùa 2. Ảnh: VFC

- Trong bài viết gửi Zing.vn mới đây, đạo diễn – NSƯT Đỗ Thanh Hải cho biết, không chỉ trẻ em học hỏi từ người lớn mà chính người lớn cũng trưởng thành hơn nhờ các em nhỏ sau hành trình Bố ơi, mình đi đâu thế?. Anh thì sao?

- Tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ các em nhỏ, cả con trai tôi và con cái của các ông bố khác. Nhưng tôi xin phép không chia sẻ điều đó với tất cả mọi người, tôi muốn giữ cho riêng mình.

- Sự góp mặt của Bi Béo trong "Ngọc Rồng" – chương trình dành cho thiếu nhi của anh và Tự Long nhận được sự quan tâm của khán giả nhưng anh lại chia sẻ là không muốn truyền thông khai thác quá sâu hình ảnh con trai mình. Anh lý giải sao về điều này?

- Tôi rất cảm ơn sự quan tâm, chú ý của báo chí – truyền thông cũng như khán giả dành cho Bi nhưng tôi mong muốn truyền thông đưa tin bình thường, chú trọng vào nội dung, ý nghĩa của chương trình thay vì sự xuất hiện của cậu bé.

Chương trình dành cho thiếu nhi tới đây của chúng tôi sẽ không chỉ có sự xuất hiện của Bi mà còn có sự góp mặt của nhiều em nhỏ khác trong câu lạc bộ. Tôi không muốn bị hiểu là mang hình ảnh con trai ra để PR cho chương trình.

Với sự xuất hiện của Bi, tôi chỉ có mong muốn là để cho những khán giả, đặc biệt là những em nhỏ yêu mến, dành tình cảm cho Bi sau hành trình Bố ơi, mình đi đâu thế? sẽ không bỏ lỡ một cơ hội để gặp gỡ và giao lưu với bé.

Xuan Bac khong thoa man tat ca con muon anh 2
Chương trình Xuân Bắc - Tự Long có sự góp mặt của nhiều em nhỏ. Ảnh: HBN

- Chương trình của anh và Tự Long có tới 3 suất chiếu trong một ngày, nhiều ý kiến cho rằng các em nhỏ tham gia sẽ không có thời gian nghỉ ngơi và có thể đuối sức vào những suất cuối cùng. Anh nói gì về điều này?

- Mọi người có thể yên tâm là sẽ không có chuyện các em nhỏ bị mệt hay đuối sức vì diễn quá nhiều. Trên sân khấu, các con sẽ diễn như chơi và chơi như diễn với những lời thoại đơn giản và biểu cảm dễ thương. Chúng tôi không bao giờ bắt các con phải diễn những cảnh đau khổ, thảm thiết, gào khóc với những biểu cảm khó diễn tả, do vậy các con không phải chịu bất cứ một áp lực nào khi góp mặt trong chương trình.

Và người mệt, đuối sức có thể sẽ là tôi và Tự Long chứ không phải các con (cười). Nếu nhà có con nhỏ thì mọi người sẽ không xa lạ chuyện nhiều khi người lớn muốn nghỉ rồi mà trẻ con vẫn cứ thích đùa. Nhiều bậc phụ huynh còn phải nói vui với con là “con tha cho bố mẹ” vì nếu không nói vậy chắc chắn các con vẫn sẽ tiếp tục đùa mặc bố mẹ đã cảm thấy thấm mệt (cười).

- Năm nào anh và Tự Long cũng có chương trình dành cho thiếu nhi nhưng dễ thấy nhân vật trên sân khấu lại thường bắt nguồn từ những truyện tranh nước ngoài. Anh có nghĩ tới việc sẽ khai thác các câu chuyện cổ tích Việt Nam để các em nhỏ được tiếp cận với những giá trị thuật Việt?

- Bản thân tôi là một người rất yêu thích các câu chuyện cổ tích Việt Nam. Tôi từng làm 2 CD kể chuyện cổ tích cho thiếu nhi và cũng từng nghĩ rất nhiều cách thức để mang những nhân vật quen thuộc như Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, ông Bụt,… lên sân khấu. Chúng tôi đã có kế hoạch nhưng thời điểm hiện tại thì chưa thích hợp.

Tạo hình của nhân vật trong truyện cổ tích Việt rất khó để các em nhỏ nhận ra ngay vì không có những đặc điểm nhận dạng cụ thể như các nhân vật trong truyện tranh nước ngoài, nhìn siêu nhân các con sẽ gọi ngay là siêu nhân và nhìn thấy người nhện, chắc chắn các con cũng sẽ không bị nhầm với các nhân vật khác. Tạm thời chúng tôi vẫn phải thực hiện những chương trình có nhân vật như vậy để các con dễ dàng tiếp cận và yêu thích sân khấu thiếu nhi.

Xuan Bac khong thoa man tat ca con muon anh 3
Dịp Quốc tế thiếu nhi hàng năm, Xuân Bắc và Tự Long luôn kết hợp để thực hiện một chương trình dành cho thiếu nhi. Ảnh: HBN

- Sân khấu thiếu nhi ở miền Bắc thường không mang lại thu nhập cao cho nghệ sĩ. Tại sao anh vẫn tâm huyết, thậm chí còn muốn làm thường xuyên hơn thay vì mỗi năm một chương trình?

- Vì tôi yêu trẻ con, rất yêu trẻ con! Hơn nữa, tôi muốn thay đổi tư duy của nhiều bậc phu huynh hiện nay, đó là trẻ em thì biết gì về thưởng thức mà cho đi xem kịch. Đó là một quan điểm sai lầm. Những vở kịch với nội dung nhân văn là cách giáo dục rất tốt đối với trẻ nhỏ.

Ngoài ra, việc xem kịch ngay từ khi còn nhỏ sẽ hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật sân khấu khi lớn. Tôi là một diễn viên sân khấu và tôi phải khẳng định rằng, sân khấu là một loại hình nghệ thuật rất tuyệt vời. 




Quang Đức

Bạn có thể quan tâm