Trao đổi với Zing.vn vào chiều 20/4, NSND Anh Tú - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết NSƯT Xuân Bắc đã có đơn gửi đến Nhà hát bày tỏ nguyện vọng rút hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Sau đó, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có báo cáo gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin rút hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của NSƯT Xuân Bắc.
NSND Anh Tú - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. |
NSND Anh Tú cho biết anh là Chủ tịch hội đồng cấp cơ sở (Nhà hát). Khi Xuân Bắc làm hồ sơ, hội đồng rất động viên. Các nghệ sĩ nhà hát mong muốn "Nam Tào" được danh hiệu NSND.
"Hồ sơ của Xuân Bắc thiếu về số năm làm nghề. Theo quy định xét tặng NSND, nghệ sĩ phải có 20 năm trong nghề, Xuân Bắc thiếu một chút. Nhưng nhà hát vẫn hết sức ủng hộ, hội đồng cơ sở vẫn nhất trí cao. Hồ sơ của Xuân Bắc đã qua hội đồng cơ sở và được Nhà hát gửi lên hội đồng cấp Bộ", Giám đốc Nhà hát Kịch nói.
Theo NSND Anh Tú, khi tổ thư ký cấp Bộ làm việc, điều kiện đầu tiên là các hồ sơ phải đủ yếu tố về thời gian công tác và huy chương. Sau đó, Xuân Bắc có đơn gửi nhà hát xin rút hồ sơ của mình. Nhà hát đã báo cáo với Hội đồng cấp Bộ và kèm theo đơn của NSƯT Xuân Bắc.
Trước đó, Nhà hát kịch Việt Nam đã gửi danh sách đề xuất phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của Nhà hát năm nay lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bốn nghệ sĩ được đề xuất là NSƯT Trung Anh, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Việt Thắng và NSƯT Lê Sơn.
Xuân Bắc được phong tặng NSƯT năm 2016. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Xuân Bắc nổi tiếng từ vai Núi trong bộ phim Sóng ở đáy sông, sau đó trở thành diễn viên hài ăn khách của chương trình Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm và Táo quân... trên VTV3.
Ngoài diễn xuất, Xuân Bắc còn gây ấn tượng với vai trò MC của một số chương trình truyền hình như Đuổi hình bắt chữ, Hỏi xoáy đáp xoay, Ơn giời! Cậu đây rồi...
Xuân Bắc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào đầu năm 2016, cách đây 2 năm. Hiện, nam diễn viên là Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức tám đợt xét duyệt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2016.
Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.