Sáng 6/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, đánh giá từ các vụ việc thanh niên 'đi bão' gây tai nạn giao thông, cho thấy, trách nhiệm của bố, mẹ trong việc giáo dục con em thực hiện pháp luật là không nghiêm túc.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về giải pháp, theo ông Hạ, cần phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Thậm chí, cần phải thu giữ xe để răn đe đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần phải quy trách nhiệm của những người giao xe. Ngoài ra, cũng cần tăng cường giáo dục, phổ biến chính sách an toàn giao thông trong nhà trường.
“Trẻ vị thành niên chưa trưởng thành về tâm, sinh lý nên rất hiếu động, dễ nổi loạn. Do vậy, chúng ta cần phải có sự quan tâm, ứng xử đặc biệt”, ông Hạ nói và cho rằng, phải có các giải pháp phòng ngừa từ xa, để các cháu không vi phạm pháp luật, bằng cách tăng cường giám hộ, giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng lo ngại tình trạng các hội đua xe trái phép gây tai nạn giao thông, đặc biệt ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý vấn đề này nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn.
Theo đại biểu, quy định pháp luật đã khá chặt chẽ, chế tài xử phạt cũng nghiêm minh. Vì vậy, bà Nga cũng lưu ý đến yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và toàn xã hội. Bởi nếu đua xe đã xảy ra thì việc ngăn chặn khó khăn, thậm chí còn có hậu quả thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.
Đặc biệt, thực tế cho thấy, vấn nạn đua xe chủ yếu diễn ra trong giới trẻ. Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình. "Nếu bậc làm cha, làm mẹ, người giám hộ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, giáo dục chặt chẽ, bài bản sẽ hạn chế tình trạng trên", bà Nga nhìn nhận.
Cũng theo đại biểu, hầu hết cuộc đua xe diễn ra vào đêm muộn, đường phố vắng người, né tránh lực lượng chức năng. Các đối tượng trước khi đua xe tụ tập tự phát, sau đó rủ nhau một câu là sẽ…"lên đường".
Hầu hết phụ huynh khi được thông báo về tình trạng trên đều rất ngạc nhiên, không hề biết con mình tham gia hay có ý định như vậy. "Quản lý con em ra sao, ban đêm là thuộc trách nhiệm quản lý của gia đình mà bố mẹ lại không biết. Bố mẹ không thể vô can trong việc này, đặc biệt với trẻ vị thành niên", bà Nga cho hay.
Đại biểu đoàn Hải Dương nhận định, nhiều cha mẹ dẫu biết quy định pháp luật, nhưng lại cố tình vi phạm, vẫn giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
“Sợi dây liên hệ giữa bố mẹ với con cái ngày càng lỏng lẻo. Bố mẹ ở phòng riêng, con cái ở phòng riêng, lẻn đi lúc nào không biết", đại biểu nêu thực trạng.
Viện dẫn Luật Tư pháp người chưa thành niên mà Quốc hội đang cho ý kiến, bà Nga cho rằng, nhiều quy định trong dự án luật mang tính nhân văn, chú trọng biện pháp xử lý chuyển hướng, tạo điều kiện cho người vị thành niên làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, bà Nga lo lắng khi báo cáo Chính phủ nêu trẻ chưa thành niên phạm tội nhiều, có xu hướng tăng lên và tội phạm ngày càng trẻ hóa. "Với tình trạng này mà có biện pháp xử lý mềm dẻo, liệu có làm gia tăng tội phạm hay không? bà Nga nêu.
Với quy định, nếu người lớn phạm tội thì xử lý hình sự, nhưng trẻ em phải xem xét, đại biểu cho biết, khi luật ra đời, liệu người lớn có mượn tay trẻ em để vi phạm pháp luật hay không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Hương Giang. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, cho rằng ngoài ý thức của một bộ phận thanh niên, khi xảy ra sự việc, nhiều bậc phụ huynh cũng “kiếm cớ” đổ tại con tự ý lấy xe đi ra đường.
“Tuy nhiên, nếu không có sự dung túng của người lớn thì con, em làm sao có phương tiện đi được? Do vậy, chỉ có cách là tịch thu xe, phạt thật nặng”, ông Hòa nói.
Khẳng định, thanh thiếu niên cần được bảo vệ để bảo đảm tính nhân văn, nhưng theo ông, những đối tượng manh động, phóng nhanh, vượt ẩu thì “không nằm trong diện cần nhân văn”.
“Với những đối tượng gây tai nạn giao thông, đánh người gây thương tích thì phải xử lý thật nghiêm”, ông Hòa quả quyết.
Trước đó, ngày 5/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, tạm giữ 10 nghi phạm để điều tra về vụ tai nạn khiến một người tử vong ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.
Rạng sáng ngày 3/11, chị N.N.Q. dừng đỗ xe máy chờ đèn đỏ, thì một đoàn gồm 20-30 xe máy đi chiều ngược lại, lao tới với tốc độ nhanh và tông vào chị Q. Khi chị Q. ngã ra đường, xe ở phía sau tiếp tục đâm vào người khiến chị Q. tử vong tại chỗ.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.