Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Nghị định này được đánh giá là có nhiều điểm mới, nhất là quy định xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, về những nội dung mới của Nghị định.
- Xin ông cho biết những điểm mới, nổi bật tại Nghị định 171 của Chính phủ vừa ban hành?
- Tinh thần của Nghị định này có một số điểm đáng chú ý như: Hầu hết các mức xử phạt không tăng mà còn giảm so với trước. Chẳng hạn như hành vi đi xe máy không chính chủ chỉ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (Nghị định 71 là 800.000 -1,2 triệu đồng), ôtô từ 1- 2 triệu đồng (Nghị định 71 là 6-10 triệu đồng). Nghị định cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như: Không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây TNGT sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp...
Một số hành vi tại Nghị định được mô tả rõ hơn để tránh nhầm lẫn, giúp người dân hiểu rõ hơn hành vi của mình có thực sự vi phạm hay không. Đơn cử, hành vi không đội mũ bảo hiểm (MBH), Nghị định trước chỉ nói người đi xe không đội MBH sẽ bị xử phạt, nhưng nay nêu rõ “Không đội MBH dành cho người đi mô tô - xe gắn máy” mới bị xử phạt để tránh việc tranh cãi đội mũ rởm, mũ thật hay mũ bảo hộ, mũ thể thao.
Trong quá trình xây dựng Nghị định 171, ban soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp của người tham gia giao thông và hiệp hội ngành nghề nên đã giảm mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, như: Không lắp thiết bị giám sát hành trình trước đây bị phạt tới 2 triệu đồng thì nay lái xe không bị tước GPLX, mức phạt hạ xuống 1 triệu đồng và phạt tiền chủ doanh nghiệp chứ không phải lái xe. Hoặc quy định tước GPLX đã hạn chế rất nhiều, không còn lỗi nào bị tước vô thời hạn mà lỗi nặng nhất cũng chỉ bị tước tối đa là 4 tháng...
- Nghị định lần này tiếp tục đưa vào quy định xử phạt hành vi không sang tên chuyển chủ phương tiện từng gây tranh cãi. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này này?
- Trước đây, việc xử phạt hành vi không sang tên phương tiện khi đưa vào Nghị định đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thậm chí đã có thời điểm phải đưa ra khỏi Nghị định. Nguyên nhân vì lúc đó chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay các điều kiện đã chín muồi, có mấy lý do sau:
Trước hết, về đối tượng xử phạt hành vi này, chỉ giới hạn khi người điều khiển phương tiện gây TNGT nghiêm trọng trở lên, phải giữ phương tiện để điều tra làm rõ và khi đi đăng ký.
Một người dân đang làm các thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện. |
Cần nói thêm về hành vi đi xe không chính chủ. Ví dụ, một gia đình có 4 người sử dụng chung 1 xe thì pháp luật không cấm người này mượn xe của người khác. Nhưng anh đi phương tiện của ai thì phải biết phương tiện đó của người nào.
Khi đưa quy định xử phạt sang tên phương tiện vào Nghị định 171 đã kèm rất nhiều điều kiện để thực hiện như: Sửa đổi các thủ tục hành chính để thuận lợi cho người dân. Bộ Công an đã có 2 Thông tư số 12, 13 để giải quyết câu chuyện xe mua bán qua nhiều chủ vẫn sang tên phương tiện được. Bộ Công an cũng khẳng định, thời điểm lượng xe máy có thể đổi được hết là vào khoảng năm 2016.
Bộ Tài chính cũng có Thông tư giảm phí trước bạ sang tên với xe máy chỉ còn từ 100.000 – 200.000 đồng, ôtô giảm từ 12% xuống còn 2% giá trị phương tiện hiện tại. Về thủ tục xử phạt, Nghị định 171 quy định Bộ Công an phải nói rõ là phạt người bán hay người mua chứ không thể cả hai."Mục tiêu chính của việc xử phạt hành vi không sang tên phương tiện là hướng đến xử phạt nguội qua hình ảnh của camera. Muốn xử phạt vi phạm hành chính qua camera thì phải xác định phương tiện đó là của ai, chứ không quan tâm đến người điều khiển phương tiện đó là ai. Khi phạt nguội, CSGT có thể tra ngay phương tiện đó của ai”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.
Hơn nữa, mức xử phạt với hành vi này cũng đã giảm rất nhiều so với trước. Cùng đó cũng lùi thời hạn xử phạt ô tô từ 1/1/2015, còn xe máy xử phạt từ 1/1/2017.
Vì vậy, các điều kiện đã chín muồi để thực hiện việc xử phạt hành vi không sang tên phương tiện.
Còn về tâm lý xã hội, xe máy, ô tô là tài sản lớn nên ai cũng muốn tài sản mang tên mình hoặc người thân. Nhà nước cũng có nhu cầu xác định chủ sở hữu phương tiện để giải quyết trong các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, an ninh trật tự, quốc phòng…
- Thông tư 36 của Bộ Công an trước đây quy định xử phạt người bán hoặc người mua, nay chỉ xử phạt người được cho, được tặng. Phải chăng chúng ta đang quản lý theo kiểu “túm người có tóc”?
- Cái này Bộ Công an chưa ra quy định, nhưng trong Nghị định 171 Chính phủ giao Bộ Công an và Bộ Tài chính phải đơn giản hóa thủ tục nộp thuế trước bạ. Quy định người bán nộp thuế trước bạ, nhưng nay không xác định được người bán thì Bộ Tài chính phải có giải pháp. Theo thông lệ quốc tế, nếu bên bán không báo công an cũng bị xử phạt và người mua không làm thủ tục sang tên cũng bị xử phạt.